Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm xây dựng và phát triển Viện Chăn nuôi: Những nhân vật tiền bối (phần 4)

.

VÀI KỶ NIỆM VỀ BỐ TÔI, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN CHĂN NUÔI ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC TA


GS. TSKH. Phan Đình Thanh


Bố tôi là Phan Đình Đỗ, sinh năm 1905 trong một gia đình có truyền thống Nho giáo  ở làng Dịch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (trước đây). Vào những năm 28-30 đầu thế kỷ trước, ông nội tôi cũng lâm vào tình trạng chung trong cơn lốc khủng khoảng kinh tế trên thế giới lúc bấy giờ. Gia đình bị phá sản, bố tôi mới học xong bằng thành chung (diplom) đã phải vào học trường Cao đẳng Thú y Đông Dương để sau này ra làm thú y sĩ có lương bổng tương đối khá, nuôi gia đình và các em ăn học.
Còn các em ruột của bố tôi thì cũng học dở dang rồi tham gia cách mạng. Có thể nói thế hệ cha chú tôi đã tạo nên một gia đình có tiếng tăm trên đất nước ta vào cuối thế kỷ XX. Em thứ nhất của bố tôi là Lê Đức Thọ (tức Phan Đình Khải), nguyên uỷ viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, từng giữ những trọng trách của Đảng. Em thứ hai của Bố tôi là Thượng tướng Đinh Đức Thiện (tức Phan Đình Dinh), từng giữ chức Bộ truưởng của các Bộ: Công nghiệp, Giao thông vận tải vv… và đã tham gia ban Chỉ huy chiến dịch giải phóng miền Nam, phụ trách công tác hậu cần. Em thứ ba của bố tôi là Đại tướng Mai Chí Thọ (tức Phan Đình Đống), nguyên uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, nguyên Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các chú của tôi đều đã được bố tôi giúp đỡ và nuôi cho ăn học cho đến khi đi làm cách mạng. Trong một gia đình đã được nhận hai Huân chương cao nhất của Nhà nước – Huân chương Sao Vàng. Trong hồi ký của Chú Mai Chí Thọ đã xuất bản “Những mẫu chuyện của đời tôi” đã viết: “Hồi nhỏ gia đình bị phá sản, mẹ tôi nuôi không nổi, gửi tôi cho người anh cả, một bác sĩ thú y (thực ra là y sĩ thú y – PĐĐ) nuôi tôi ăn học”.

Mặc dầu đã giúp đỡ và nuôi dưỡng các em để góp phần đáng ghi nhận cho một số người em trở thành danh tướng, quyền cao chức trọng, nhưng bố tôi đã không lấy đó tự hãnh diện. Có lần trong bệnh viện Việt Xô, một quan chức cấp cao của Nhà nước đã giới thiệu bố tôi với người khác “Đây là anh của Đồng chí Lê Đức Thọ” bố tôi đã nghiêm nghị nói: “Thưa ông tôi có tên là Phan Đình Đỗ”. Sau này, bố tôi nói vui với chúng tôi “Các chú làm chức to nên bố bị mất cả hoạ lẫn tên”.

Sống trong chế độ cũ, bố tôi cũng phóng túng như những quan chức khác như chơi “cô đầu” và hút thuốc phiện. Sau này nhà giáo nhân nhân Nguyễn Lân, bạn thân của bố tôi đã cho chúng tôi biết bố tôi có tâm sự “Tôi sống như vậy chủ yếu là để che mắt bọn mật thám, không để chúng chú ý soi mói mình vì có các em đi làm cách mạng” điều đó có lẽ như vậy. Tuy nhiên đối với cách mạng bố tôi có những cảm tỉnh đặc biệt. Một hôm vào thời kỳ mặt trận Bình dân (1937-1939) chú Lê Đức Thọ tôi có vào Thanh Hoá thăm bố tôi thì ngay nửa giờ sau. Chánh mật thám Pháp có mời bố tôi lên và nói “Ông hãy nói cho thằng Khải em ông hãy về đi để tỉnh tôi được yên ổn”.   Bố tôi đã thẳng thắn trả lời:   “Nếu ông có một người em mà nó không làm điều gì xấu cho ông thì liệu ông có đuổi nó ra khỏi nhà hay không?”. Sau đó bố tôi vẫn giữ chú tôi  ở lại chơi mấy hôm và còn tặng một chiếc xe đạp mới tinh, nhãn hiệu Peugeot của Pháp, để chú tôi có phương tiện đi lại làm cách mạng. Lúc đó chiếc xe này có giá trị như một gia tài của một người không có tài sản và không có tiền lương.

Tuy nhiên trong công việc chuyên môn lúc đó bố tôi là một công chức cần cù và có nhiều khả năng nên đã được đưa sang Lào để chống dịch gia súc trong một số năm và khi về nước bố tôi được giữ chức Trưởng hạt (Chefsecteur) về thú y đối với một số tỉnh phía Bắc Trung Bộ. Sau này bố tôi đã trở thành một viên chức thuộc cấp cao (Cadre Superieur) được hưởng lương ngạch tây tới một ngàn đồng Đông Dương một tháng, trong khi lương tri huyện chỉ có vài ba trăm đồng là cao. Hơn thế nữa để lôi kéo bố tôi không đi theo cách mạng, thật trớ trêu, chế độ Nam Triều Bảo đại đã phong cho bố tôi  chức Hàn Lâm viện thị độc học sĩ với chiếc bài ngà mà bố tôi chưa bao giờ đeo và thậm chí chúng tôi cũng không biết hình thù nó ra sao.

Ngay sau khi cách mạng thành công, bố tôi đã dứt bỏ mọi phong cách sống phóng túng cũ, xắn quần lội bộ đi theo cách mạng, ăn cháo bắp, măng rừng và đã được giao những trọng trách đầu ngành chăn nuôi thú y Việt Nam. Bố tôi đã “Tiếp thu và vận dụng đúng đắn đường lối của Đảng và Chính phủ mà đề ra chủ chương dựa vào nhân dân để chống dịch bệnh gia súc v.v. dựa vào hướng đó trong những năm 1949-1953  ở khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi, dập tắt được nhiều ổ dịch, chữa khỏi được hàng vạn gia súc v.v. tổ chức thực hiện mạng lưới thú y nhân dân”. (trích điếu văn của cơ quan khi bố tôi mất). Để thực hiện chủ trương đó bố tôi còn viết một cuốn sách về phòng chống và chữa bệnh cho gia súc theo hình thức thơ vè để bà con nông dân học thuộc. Hình thức phổ biến khoa học đó có lẽ chỉ  ở Việt Nam mới có và đã được ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nghiêm Xuân Yêm lúc đó rất tâm đắc và khuyến khích. Sau này bố tôi đã chủ trì cùng một số đồng nghiệp viết hai cuốn sách dày có tính khoa học sâu “Những bệnh truyền nhiễm gia súc  ở Việt Nam”  và đã là sách quan trọng để tham khảo nghiên cứu và giảng dạy cho ngành chăn nuôi thú y những năm 60 của thế kỷ trước.

Về nhân sinh quan bố tôi cũng có những điều làm tôi suy nghĩ, trong đó có mấy lần tôi nhớ mãi.

Một lần, khi đã trưởng thành, tôi có hỏi bố tôi “Tại sao bố nói với chúng con: sau mười tám tuôi phải tự lập và chúng con đã làm như vậy. Điều đó có đúng cho tất cả mọi gia đình hay không?” Bố tôi trả lời “Đúng trước hết với thời buổi mà con đang sống”. Như vậy ông đã bắt các con phải tự vươn lên trong thời đại bão táp của cách mạng, không phải chờ đến tam thập nhi lập như quan niệm các cụ ngày xưa. Chính tôi được đi học  ở nước ngoài cũng không phải do bố tôi xin cho. Câu nói đó của bố tôi đến nay có lẽ vẫn còn có ý nghĩa nhất định nào đó.

Một lần khác, trước khi thoát ly gia đình đi bộ đội năm 17 tuổi, vào làm trong ngành Quân giới, sản xuất vũ khí chống Pháp, tôi có hỏi bố tôi: “Con nên theo đuổi ngành gì?” Bố tôi kh«ng tr¶ lêi th¼ng c©u hái ®ã, mµ nãi “Mét trong nh÷ng ®iÒu lµm ng­êi ta sung s­íng nhÊt lµ t×m ®­îc mét nghÒ mµ m×nh yªu vµ mét ng­êi mµ m×nh yªu.”

Lại một lần khác, tôi có hỏi bố tôi: “Trong hai tập Tam Quốc và Đông Chu Liệt Quốc thì bố thích lập nào hơn.”. Bố tôi trả lời ngay “Bố thích đọc Đông Chu Liệt Quốc hơn vì trong đấy có rất nhiều nhiều nhân vật có cả tính đặc biệt để tự khẳng định mình”.

Cũng lại một lần trước khi tôi đi sang Ba Lan làm luận án phó tiến sĩ tôi  hỏi “ Bố có dặn gì không”. Bố tôi cũng không trả lời thẳng mà kể cho tôi một câu chuyện: “Khi bố thực tập về trùng học  ở Nha Trang, bố đã nhìn thấy giám đốc viện Y éc xanh là một người rất ôn hòa nhưng một buổi sáng ông đã tát vào mặt một bác sĩ người Pháp và đuổi ngay về nước vì đêm qua ông này đã vô ý trót đổ một ống nghiệm có vác xin chưa đủ ngấm xuống cống của Viện chảy ra thành phố” Và bố tôi nói tiếp “Kiến thức đối với một cán bộ khoa học mới chỉ là điều kiện cần, mà còn phải có điều kiện đủ, đó là tính chú đáo và cẩn thận” Và tôi đã hoàn thành luận án  phó tiến sĩ theo hai điều kiện mà bố tôi đã dạy bảo. Điều đó vẫn còn có ý nghĩa lớn đối với các cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ ngày này, vì trong cuộc đời có những việc làm không cho phép bản thân rút kinh nghiệm đến lần thứ hai.

Một lần làm cho tôi thực sự có nhiều suy nghĩ nhất về quan điểm sống của bố tôi, đó là năm 1960 (lúc đó bố tôi đã 55 tuổi), chú Lê Đức Thọ của tôi đã đến gặp bố tôi và nói: “ Anh đã vượt qua được nhiều thử thách trong kháng chiếm, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao, đã được nhận Huân chương kháng chiến hạng nhất và được anh em đồng nghiệp, bạn bè yêu mến, vậy anh nên viết đơn xin vào Đảng để phục vụ tốt hơn và cũng để mọi người thấy anh xứng đáng làm anh của những cán bộ cao cấp của Đảng như chúng em”. Bố tôi im lặng và ngay trong tuần đó bố tôi đã viết đơn xin về hưu trước tuổi mà người quyết định duyệt việc này lúc đó lại chính là Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, em ruột bố tôi. Như vậy bố tôi đã được về hưu trước hạn tuổi quy định. Sau này có lần tôi đã hỏi bố tôi về cách sử sự đó, bố tôi trả lời “§iều khó nhất đối với một con người là biết đánh giá đúng mình đang đứng  ở vị trí nào. Một trí thức cũ vì lý do lịch sử không nhất thiết phải đứng trong hàng ngũ Đảng mới phục vụ được tốt cho Đảng. Bố vào Đảng khi đã gần về hưu liệu có ích gì thêm cho Đảng hay không, hay chỉ với mục đích vì bản thân mình và chỉ làm vẻ vang thêm cho anh em và gia đình”. Cho đến nay tôi vẫn nghĩ mãi về cách sử sự này của bố tôi và có thể thông cảm được tính khẳng khái đó của một trí thức đã sống qua chế độ cũ, đang phục vụ chế độ mới. Tuy nhiên, có một điều tôi cho là cách sử sự đó rất xứng đáng với một người biết tự đánh giá và tự khẳng định mình. Sau khi về hưu bố tôi vẫn tiếp tục đọc sách nghiên cứu và trao đổi chuyên môn cùng kinh nghiệm nghề nghiệp với bạn bè và học trò.

Mặc dù trong suốt cuộc đời bố tôi đã có lúc kiếm được rất nhiều tiền và sau ngày cách mạng thành công, bố tôi đã giữ những chức vụ khá cao về chuyên ngành nhưng do đã giúp đỡ gia đình, anh em rất nhiều  và do quyết tâm chịu gian khổ đi theo Đảng nên đã chấp nhận sống một cuộc đời trong sạch, từ chối mọi vinh hoa phú quý cho đến lúc qua đời. Ngày 18 tháng 11 năm 1973 trong thư gửi cho tôi  ở nước ngoài bố tôi đã viết: “Con đã mua đài (radio) cho bố, bố rất vui vì  ở nhà đài đắt lắm, bố không mua nổi, hiện nay bố không có cái đài nào cả.” Rất khó hình dung nổi một người như bố tôi, từng giữ những chức vụ khá cao của các cơ quan chuyên ngành của cả nước, đã từng dẫn đoàn đại biểu Nông nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tham quan và đã từng giúp đỡ, nuôi nấng các em ăn học để nay có quyền cao chức trọng như vậy mà vẫn sống thanh bạch đến như thế! Bức thư đó tôi còn giữ đến ngày nay để ngẫm nghĩ và để xem xét mình.

Một số bài học của bố tôi để lại cho tôi đã được tôi biểu lộ trong Lời nói đầu của Bản luận án tiến sĩ khoa học mà tôi đã làm tại Đức: “Kính dân lên hương hồn bố, mẹ, những người đã cho con những phẩm chất và nếu thiếu những phẩm chất đó thì sẽ không thể có bản luận án tiến sĩ khoa học này”

Trong quá trình hoạt động khoa học cũng như sau này làm Phó giám đốc kiêm chủ nhiệm khoa chăn nuôi giảng về vi trùng học  ở Học viện Nông lâm trước đây, bố tôi đã được rất nhiều bạn bè và học trò quý mến về phong cách gần gũi, vui tính cũng như về trình độ học vấn chuyên môn. Họ đã kể lại cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về bố tôi với một tình cảm sâu sắc và tôi nghĩ rằng ai cũng có ưu và nhược điểm, tuy nhiên bố tôi đã sống xứng đáng là người bố, người thầy và là người bạn của tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét