Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Ngày ấy…

Thấm thoát hai mươi mấy năm kể từ ngày ấy.


Ngày ấy, Viện Chăn nuôi yên ả.


Một ngày hai chuyến xe hơi
Đưa người Hà Nội về nơi xứ Chèm...


Cứ mỗi chiều tan nhiệm sở, bọn tôi - cánh độc thân - đứng nhìn đồng nghiệp hồ hởi lên xe ca,

lòng gợn một chút... một chút gì không rõ rệt. Vâng, không hẳn là "sáng vác ô đi, tối vác về", nhưng mà an phận.





Chúng tôi lại ra sân đá bóng. Trần Huy Thái tài hoa nên đường đi bóng điệu; Chí Cương mạnh mẽ và kỹ thuật; Trịnh Phú Ngọc hầm hố; Cư cá thì cần cù... Say mê đến mức, bốn bố con bác Điệp cũng xỏ giầy ra sân tranh tài cao thấp, khi va chạm nhau, cũng nổi cáu lên "đá kiểu gì thế...". Nhờ thể thao mà nhiều quan hệ thành thân.


Thi thoảng đổi món, chúng tôi chơi bóng chuyền. Nguyễn Văn Bảo (Bảo hói), Nguyễn Văn Đồng ỳ ạch nhẩy lên, đập bóng rúc lưới, phân trần "tại cái phao câu tớ nó hơi lớn", làm cả sân cười ngặt nghẽo.


Nhớ dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Viện, đội tuyển bóng chuyền nam, nữ tập trung, suốt ngày quần thảo, thầy Bút (em vợ bác Xuân Chèo) làm huấn luyện viên, vui đáo để. Các tay chuyền nữ một thời: cánh gia cầm nào Bạch Thanh Dân, em Xuân, em Trang, Mạc Thị Quý, cánh cổng sắt những Đoàn Thị Khang, Bùi Thị Oanh, chị Thái, chi Nguyễn Thu Thủy. Cánh nam giới thì Lê Văn Năm, Đặng Xuân Biên, Nguyễn Văn Bảo, Mai Văn Sánh, Nguyễn Viết Hải, ĐoàN Trọng Tuấn, anh Tuấn (Trại Lợn), Nguyễn Ngọc Huân, Hoàng Văn Lộc... Rồi tập văn nghệ, làm chương trình "khắp nơi ca hát" (có người đùa bảo: Tranh nhau ca hát, thì có) cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Nào em Oanh, em Thanh gia cầm, em Hà, em Tân, em Vân, em Tâm; nào anh Dũng, anh Phiên, anh Đạt, anh Bắc "cổng sắt" dưới bàn tay nhào nặn của nhạc sỹ Trần Chung, nhạc sỹ Phó Đức Vạn ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thầy Thắng guitar, thầy Thảo ở nhạc viện Hà Nội đã thành những ca sỹ bất đắc dĩ mà đáng yêu. Những buổi tập tại Nhà Văn hóa Thanh niên đầy ắp kỷ niệm.


Ngày ấy, chúng tôi đi điểm ở Nông trường Ba Vì, đóng đô đội Một mà anh Bình làm đội trưởng. Mấy cháu đi vắt sữa sáng về, thấy chú Sự đang đánh răng, có ý cười chú ấy dậy muộn. Cựu sinh viên tại Hung Gia Lợi đùa mà rằng:


- Này, tao nói chúng bay nghe, chúng tao đánh răng, rửa mặt cũng là đang làm việc đấy...


Mỗi buổi sáng, Đào Đức Thà đi kiểm tra bò sớm, chân xỏ ủng, quần đùi rộng làm cho mấy em vắt sữa cứ dáo dác, đánh mắt ra hiệu cho nhau, tiếng khúc khích rộ theo chân chàng cán bộ trẻ.


Đi điểm, sống ở phòng tập thể, giường tầng, cơm niêu, nước lọ, đâu quan tâm nhiều đến ngày mai, ngày kia. Phòng bên là lớp mẫu giáo, tiếng cô giáo Lý thánh thót quyện cùng tiếng các cháu:


Con cò bé bé
Nó đậu cành tre...

Ở bên này, mấy anh có ý chọc yêu, mới ngâm nga rằng: "Em Lý nhẩy nhót hót ca: Hoan hô con Sáo nhà ta hay làm..." làm em thích nhiều mà tức ít.


Một hôm, sữa bán không hết, anh Bình Đội trưởng gọi cho. Tiện thể mua vài đồng lạc, cút rượu mía của bà Mai, cả bọn nhâm nhi, hỉ hả, gọi là xả láng. Đêm về trằn trọc không sao ngủ được, nằm tầng dưới hỏi tầng trên "sao vậy ?". Hóa ra, cái anh sữa lâu ngày không được uống, thiếu men tiêu hóa, nó trương lên, ấm ách. Anh Tào, anh Thà, anh Cương trắng, anh Tiến, anh Sự chắc còn nhớ ?


Đến nay, điểm mặt thì "Nhóm Ba Vì" vẫn đầy đủ cả: TS Võ Văn Sự nay là Trưởng Bộ môn Di truyền - Giống, TS Đào Đức Thà, Phó Trưởng Bộ môn TTNT, TS Nguyễn Hữu Tào, TS Vũ Chí Cương - hai ông Phó Viện trưởng danh tiếng, TS Đinh Công Tiến, cũng là Phó nhưng Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý TW II. Rồi những TS Phạm Kim Cương, TS Trần Văn Bình, TS Nguyễn Quốc Đạt, ThS Nguyễn Ngọc Huân, em Nguyễn Thị Tân.


Đặc biệt, xin dành vài dòng cho PGS-TS Bùi Chính đáng kính của chúng ta, người nhiều năm là lãnh đạo Bộ môn Thức ăn của Viện, một con người mực thước, nói năng nhỏ nhẹ, nụ cười gọn ghẽ. Nhắc đến PGS tôi nhớ đến chiếc Java đỏ cùng chủ nó rong ruổi nhiều tháng ngày Ba Vì - Hà Nội. Đâu như cứ được nửa quãng đường PGS lại nghỉ để dưỡng sức cho con ngựa chiến. Chẳng thế, nhiều lần, chúng tôi cưỡi xe đạp mà còn bắt kịp bác ấy dọc đường. Nay, PGS ra làm cho nước ngoài, nghe đâu thu nhập hậu, cũng mừng cho bác.


Thi thoảng về Viện, gặp bác Thưởng, thế nào cũng được hỏi 2 câu: "Về bao giờ thế?", rồi "Khi nào đi?" Đúng là nhà khoa học thực thụ. Bác Viện trưởng là người tốt, luôn ý tứ, người duy nhất ở Viện không nói tục. Cánh trẻ chúng tôi chưa một lần nghe bác nói đệm, những từ kiểu như "mẹ, cha...". Bác có vợ trẻ, nên người Viện cứ hay gọi bác Thưởng, chị Quỳnh là vậy.


Ngày ấy, Viện Chăn nuôi khó khăn lắm. Chắc đến giờ, ít ai quên câu ca:


Ai về thăm Viện Chăn nuôi
Ghé Chèm cơm nước xong xuôi hãy vào...


nghe mà đượm mùi hoàn cảnh.




Nhưng cũng câu ca này:


Ai về thăm Viện Chăn nuôi


mà đọc tiếp vế 2 thì Giáo sư Thông cười ha hả.. còn bác Trần Doãn Hối vuốt râu mà phản thùng:


- Râu tao thế này mà chúng... Tức thật. Rồi cũng ha hả cười.


Cũng ít người hiểu hết câu lục bát sau đây:


Xèo xèo mỡ rán đâu đây ?
Hóa ra anh Thưởng rán ngay đầu hè

với cái nghĩa gian nan, vất vả cuộc sống dân Viện nơi xứ Chèm thuở ấy.




Ngày ấy, Viện Chăn nuôi đầy nhân tài. Chỉ qua những sáng tác dân gian, qua một 2 chữ, những cá tính, những chân dung tên tuổi được lột tả tuyệt vời:


Đầu Doanh, quần Quốc, đít Bơ,
Áo Sự, tay Thạc, dáng mit-xơ-tơ Tỵ Gà...

Ngày ấy, Viện Chăn nuôi đầy áp tình người. Con cháu cán bộ, công nhân viên có bằng, không có bằng, lớn lên, không xin được ở đâu, Viện đều nhận tất. Đất lành chim đậu. Đến cả những người xa xôi gửi gắm, đều được xếp công ăn, việc làm đầy đủ. Khu tập thể là một xã hội thu nhỏ. Hàng tháng, rủ nhau chia lợn, gà, trứng, cá, cám. Mấy anh em đi điểm xa, khi về, các cô, các chị thu ghém đầy đủ, để dành, cất giữ hộ, chẳng thiếu thứ gì: nào gạo sổ tiêu chuẩn, tiền lương, các khoản chia chác công đoàn. Có công có việc, cả Viện đến hỏi thăm, tình cảm như gia đình, làm sao quên được ?

Riêng chuyện lứa đôi thì khác. Yêu nhau, tuy nhiều cặp thành: Những cặp như Chính - Thái, Tuyên - Thoa, Đồng - Khang, Thân - Loan, Tiến - Lan,.. , nhưng vẫn ít. Nên trai Viện phải đi tìm gái xứ, gái Viện phải làm dâu người, là vậy. Ở Viện còn lưu truyền chuyện Đào Đức Thà đi tìm vợ, đến chỗ nào cũng giới thiệu "làm ở Viện Sinh học", đâu dám khoe dân Viện Chăn nuôi, có câu nói nổi tiếng "con trai như cái nơm, cứ úp đại, thích thì bắt, không thích thì thôi, ai ép..."

Ở Viện, Công đoàn đúng là quản gia, bếp núc. Làm sao quên những bác Đỗ Thị Tỵ, bác Kính Coong nhiệt tình công việc, chẳng quản khó khăn, nhiều năm gánh vác, xứng danh là thủ lĩnh.

Chúng tôi ở Phòng Thú y, coi nhau như người gia đình, gọi Trưởng phòng là Cô - cô Trần Thị Diễm Uyên - nữ tướng tài giỏi, người hiếm thấy. "Tớ chỉ sợ ông Thưởng thôi", có lần Cô bộc bạch vậy.

Làm sao nhớ hết quãng đường đã đi qua, xin ghi thành mươi dòng kỷ niệm. Đâu dám cả lo như cụ Nguyễn Du "Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng ?), chỉ nghĩ rằng, mươi vài năm nữa chắc chẳng còn ai nhớ ngày ấy.


Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2008


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét