Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 2)

.

VỀ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU THÍ NGHIỆM VÀ PHÁT TRIỂN GIA CẦM 
TRONG VIỆN CHĂN NUÔI  TỪ 1954-1978

KS. Bùi Quang Toàn

Nguyên Tổ trưởng Tổ chăn nuôi gà - Trại thí nghiệm chăn nuôi Thuỵ Phương


Trong quá trình hoạt động suốt 50 năm từ 1952 đến 2002, công tác nghiên cứu thí nghiệm và phát triển gia cầm thực sự bắt đầu trừ ngày khai sinh trại gà Bạch Mai (Hà Nội) năm 1954 trong khuôn khổ của Viện Khảo cứu Nông lâm thời ấy.

            Trại gà Bạch Mai được xây dựng trên một diện tích hạn hẹp cùng với bộ phận Thú y trên địa điểm của Viện Thú Y ngày nay. Lãnh đạo chăn nuôi lúc ấy là cụ Phan Đình Đỗ, còn tôi vì dã từng đảm nhiệm công tác chăn nuôi gà từ trước nên được giao phụ trách trại gà.
            Vốn liếng của Trại gà Bạch Mai khi đó là một đàn gà ngoại mấy chục con gồm nhiều giống. Rhode, Island, Legorn,  Austracorp, Susex được chọn lọc từ đàn gà của Sở Thú y Bắc Việt hồi Pháp thuộc để lại. Về giống gà nội có gà Ri, gà Văn Phú, gà Đông Tảo, gà Mía, gà Nam bộ được tuyển từ địa phương về.
            Nhiệm vụ chính của trại là theo dõi thích nghi đàn gà ngoại, chọn bằng nhân giống toàn bộ đàn gà  trên. Trại bắt đầu thí nghiệm ấp trứng gà bằng máy ấp điển nhỏ (công suất 100 trứng) và nuôi gà con trên lồng tầng sưởi bằng bóng điện. Trại cũng phổ biến một số giống gà ra ngoài dân chúng, chủ yếu là bán trứng gà Rhode và gà Lergorn rất được các chủ chăn nuôi nội ngoại thành ưa chuộng.
            Sau 6 năm hoạt động (1954-1959) đến thời Học viện Nông lâm, Trường và Viện sáp nhập, trại gà Bạch Mai được di chuyển sang Quang Trung (Gia Lâm), tại đây trại gà tiếp tục công việc như  ở Bạch Mai, nhưng với quy mô lớn hơn. Đàn gà đông hơn, chuồng trại cũng rộng rãi khang trang hơn. Về thiết bị trại được trang bị thêm một máy ấp điện cỡ trung bình, có công suất chừng ngàn quả trứng.
            Lần đầu tiên,  ở Gia Lâm, Trại thí nghiệm công thức lai gà Rhode với gà Ri, gà Leghorn với gà Ri, gà Austracorp với gà Văn Phú, nhưng ít lâu sau, vì kinh phí có hạn trại loại bỏ (một số gà ngoại như Austracorp, Leghorn, Suses, đồng thời loại bỏ công thức lai Leghorn – Ri, Austracorp - Văn Phú, chỉ để lại hai giống chính là  Rhode Island và Ri, chú trọng vào lai Rhode -Ri vì công thức này tỏ ra có lợi thế hơn lại thích hợp với nhu cầu và thị hiếu của quần chúng.
             trại gà Quang Trung, ông Trần Nhơn chịu trách nhiệm lãnh đạo chung, còn tôi được đặc trách bộ phận chăn nuôi thí nghiệm gà con, gà dò.  Từ năm 1969 công thức Học viện được thay đổi, Trường và Viện được tách riêng. Sau khi để lại cho Trường một số gà cho sinh viên thực tập, Trại gà rời sang Thuỵ Phương (Từ Liêm) và từ đây trở thành trại nghiên cứu thí nghiệm gia cầm Thuỵ Phương. Ngoài đàn gà mang từ Quang Trung (Gia Lâm) sáng Trại gia cầm Thuỵ Phương còn được bổ xung thêm một số gà Rhode mới nhập, chọn lọc một đàn gà Ri cơ bản lấy trong số nhiều giống Ri  ở các địa phương để tiếp tục lai tạo gà Rhode -Ri một cách bài bản hơn, với một quy mô to lớn hơn. Ngoài gà, trại còn nuôi và theo dõi thêm một số giống thuỷ cầm như vịt Cỏ, vịt Bầu, vịt Bắc Kinh, vịt Khakicampbell, ngỗng Cỏ, ngỗng Land, ngỗng Rhenan. Đáng kể là tại Thuỵ Phương, để giúp cho công việc nghiên cứu thí nghiệm gia cầm, trại được trang bị thêm một máy ấp hiện đại của Nhật công suất lớn.
            Kết quả là Trại đã thuần hoá và phát triển được giống vịt Khakicampbell, vịt Bắc Kinh, giống ngỗng Rheinland và đặc biệt là trại đã thành công bước đầu trong công tác lai tạo giống gà Rhode -Ri. Để thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp là đưa kết quả công tác nghiên cứu thí nghiệm xuống nhân dân, chủ yếu là trong các hợp tác xã, phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi, Trại Thuỵ phương đã phối hợp cùng Viện Thú Y chọn hợp tác xã Bằng A, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội để làm thí điểm. Được sự giúp đỡ của Viện Chăn Nuôi, hợp tác xã Bằng A đã xây dựng được một trại gà tập thể nuôi một đàn gà đông tới nghìn con, trong đó mái đẻ chiếm tới hơn 200 con. Trại gà Bằng A đã biết ấp trứng gà bằng thóc nóng, biết nuôi gà con bằng bóng điện, đã cung cấp được trứng và gà giống tốt cho xã viên, người chăn nuôi gà có ngày công khá. 


Nhờ những thành tích đó, trại gà hợp tác xã Bằng A, do sự dìu dắt của cán bộ Trại gà Thuỵ Phương đã được nhiều địa phương đến thăm quan học tập, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, được ông Vông -Vi-Chít cán bộ cao cấp của nước bạn Lào, và một số nhà báo nước ngoài như Ba lan, Hungari tới thăm và động viên.

Cũng chính tại  Hợp tác xã này, Viện Chăn Nuôi  đã đưa đàn gà  lai Rhode - Ri xuống nuôi thực nghiệm và đàn gà này tại đây đã chứng minh được những ưu điểm, ưu thế của nó. 

 



          
            Cuối cùng, cũng không nên quên nhắc tại đây việc nghiên cứu và gây dựng đàn chim cút đầu tiên trên miền Bắc nước ta  ở Trại gia cầm Thuỵ Phương, đàn cút đông tới ngàn con, mà bắt đầu từ 100 quả trứng cút mang từ nước ngoài về. Nhưng tiếc thay chăn nuôi chim cút lúc ấy chưa thích hợp với nhu cầu của nhân dân, nên cuối cùng đành phải bỏ. Đây cũng là một điều cần rút kinh nghiệm.
            Sau những năm được phái xuống hợp tác xã để thực nghiệm đàn gà lai Rhode -Ri và phát triển phong trào  nuôi gà tập thể  ở các hợp tác xã, năm 1973, tôi lại được về phụ trách trại gia cầm Thuỵ Phương tiếp tục công tác tại Trại, đồng thời đổi mới phương pháp quản lý, cụ thể là đưa công tác nghiên cứu thí nghiệm vào hạch toán theo chủ trương mới.
          Năm 1978, tôi được nghĩ hưu. Tóm lại, từ 1954 tới 1978 liên tục trong 24 năm trời gắn bó với công tác nghiên cứu thí nghiệm chăn nuôi gia cầm, từ Bạch Mai qua Quang Trung tới Thuỵ Phương, ròng rã trong 1/4 thế kỷ, trong chiến tranh gian khổ cũng như trong những ngày yên ổn, hoà bình, trải qua bao thiếu thốn, khó khăn, tôi thực sự vui mừng nhận thấy công tác nghiên cứu thí nghiệm gia cầm, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn luôn luôn được giữ vững và ngày càng phát triển. Tôi cũng cảm thấy có đôi chút vinh dự và tự hào là đã được làm việc và sống chung với một đội ngũ cán bộ công nhân viên biết cùng nhau đoàn kết, động viên và giúp đỡ lẫn nhau đem hết tài năng bà thực lực của mình cống hiến cho sự nghiệp ngày nay. Tới thăm Viện Chăn Nuôi  thăm Trung  tâm nghiên cứu gia cầm, lòng tôi rộn ràng hi họng khi nghĩ tới tương lai một nền kinh tế phát triển của nước nhà trong đó tất nhiên có phần đóng góp xứng đáng của Viện Chăn Nuôi của những người làm công tác nghiên cứu thí nghiệm gia cầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét