Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm xây dựng và phát triển Viện Chăn nuôi: Những nhân vật tiền bối (phần 7)

.

VIỆN CHĂN NUÔI VÀ SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
GS.TS. Lê Viết Ly
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi

" Ai về thăm Viện Chăn Nuôi
  Mà xem gương mặt, nụ cười hôm nay
Năm mươi năm, bấy nhiêu ngày
Ngọt ngon đã trải, đắng cay đã từng"


            Từ trường Đại học tôi chuyển về Viện Chăn Nuôi, đó là vào năm 1984 - những năm tháng khó khăn nhất của đất nước sau thống nhất. Sau 15 năm, kể từ khi có quyết định  của Uỷ Ban Nông nghiệp Trung Ương, Viện vẫn nghèo nàn với những mái nhà tranh, vài phòng thí nghiệm đơn sơ, mấy dẫy chuồng trại xây dựng theo kiểu cũ và một số gia súc gia cầm hạn chế.


            Địa bàn hoạt động của các bộ môn chủ yếu là ở các hợp tác xã với các công trình lợn lai, gà Rốt ri nổi tiếng một thời. Một số đề tài được tiến hành ở miền Trung như đề tài bò thịt ở Gia Lai và đề tài giống lợn ở Phú Khánh.

            Trong nhiều năm quan hệ hợp tác quốc tế chủ yếu là với Liên Xô về các đề tài thức ăn và với Hungrari về đề tài nuôi thỏ v.v...

            Mãi đến những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, Viện mới bắt đầu tiếp xúc với một số tổ chức  khoa học Quốc Tế như FAO và UNDP. Điều này có được là do Nhà nước đã có chính sách mở cửa còn gọi là " Đổi mới ".

            Việc mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế với nước ngoài đặt ra những đòi hỏi mới. Vấn đề " nguồn nhân lực " trở thành gay gắt bởi ở Viện ta ngoài một số người biết tiếng Nga, tiếng các nước Đông Âu, số người biết tiếng Anh là rất ít.

            Do những cố gắng không mệt mỏi, hai dự án UNDP về nghiên cứu phát triển bò thịt và vịt đã được thực hiện mở đầu cho một giai đoạn hợp tác mới. Tiếp đó là các dự án về thức ăn phụ phẩm nông nghiệp với FAO và hệ thống chăn nuôi  bền vững SAREC /SIDA. Trong các thành  quả của việc thực hiện các dự án trên, nổi bật nhất  phải  kể  đến kết quả đào tạo đội ngũ về chuyên môn, ngoại ngữ lẫn kinh nghiệm hợp tác khoa học, trong đó phải đặc biệt nhấn mạnh đóng góp của dự án SAREC trong đào tạo cán bộ. Dự án  SAREC với Thuỵ Điển được kéo dài cho đến nay là 14 năm, đã đào tạo hàng loạt cán bộ trẻ, cho họ tiếp cận với  phương pháp nghiên cứu mới, nắm vững tiếng Anh, tiếp xúc với chuyên gia và bạn bè Quốc tế thông qua hàng hoạt hội thảo quốc gia và quốc tế. Hai tiến sĩ đã được đào tạo tại Thuỵ Điển, 7 thạc sĩ đã được hoặc đang đào tạo thông qua chương trình SAREC. Nếu tính số cán bộ được đào tạo sau đại học của nhiều dự án  quốc  tế  thì  con  số  còn  gấp nhiều lần và ta có thể tự hào nói rằng Viện đã tiến được một bước lớn trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với đòi hỏi của công nghiệp hoá và hiện đại hoá. 

Lúc mới về Viện tôi có một ước mơ làm sao Viện mình có được một đội ngũ có thể trao đổi trực tiếp với bạn bè quốc tế, có thể sinh hoạt học thuật bằng tiếng Anh. Điều đó đã thành sự thật với hàng loạt sinh hoạt học thuật tổ chức tại Viện, hàng tuần hàng tháng với nhiều sự kiện hội thảo quốc tế do Viện ta chủ trì: hội thảo FAO /SIDA 1991, hội thảo SAREC 1993 - Hội nghị của Viện Chăn Nuôi Quốc tế về Châu Á năm 1997 có 14 nước tham dự, các hội thảo của các dự án NUFU, ISNAR, hội thảo về trâu đầm lầy. Tất cả đều được thực hiện một cách mỹ mãn bằng tiếng Anh và từ đó dẫn tới các dự án mới. Vị thế của Viện ta trong nước, trong vùng đã được nâng cao đáng kể.

            Tôi còn nhớ khi ta khánh thành phòng thí nghiệm phân tích thức ăn do UNDP tài trợ, có đồng chí lãnh đạo Bộ đã hỏi chúng tôi, liệu có thể sử dụng nó được bao lâu?  Bấy giờ chúng tôi đã trả lời một cách tự tin " Chúng tôi sẽ nuôi sống nó lâu dài bằng các dự án ". Chính nhờ sự liên tục của các dự án sau đó đã làm cho lời hứa của chúng tôi được chứng minh.

            Có thể nói từ khoảng mười lăm năm trở lại đây, ở Viện ta không lúc nào không có dăm ba dự án Quốc tế song song tồn tại ở cấp Viện và cả ở các Trung tâm, bộ môn. Vì vậy mà khi chưa nhận được hoặc có rất ít kinh phí từ Nhà nước, hệ thống phòng thí nghiệm và các hoạt động khoa học vẫn tiến hành có hiệu qủa. Có ai nghĩ từ một trại thỏ bé nhỏ, một trung tâm bề thế nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật đã trưởng thành và mới đây đã vinh dự được FAO trao tặng giải thưởng Quốc tế SAUMA. Còn có thể lấy nhiều ví dụ về sự thành công ỏ các Trung tâm khác của Viện.

            Viện ta một thời đã có nhiều câu ca bắt đầu từ " Ai về thăm Viện Chăn nuôi … " những câu chứa đầy hài hước và châm biếm. Tôi muốn đưa vào đây những suy nghĩ mới để cùng nhau ngâm ngợi: 

"  Ai về thăm Viện Chăn Nuôi
      Mà xem gương mặt nụ cười hôm nay "

            Nhiều gương mặt mới của Viện đã nổi lên. Nhìn vào đội ngũ trẻ của Viện tràn đầy sức sống và năng lực, ai cũng thấy tự hào với thành quả hôm nay, trong đó có bao công sức của những lớp người đã phấn đấu vì Viện trong suốt 50 năm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét