Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm xây dựng và phát triển Viện Chăn nuôi: Những nhân vật tiền bối (phần 9)

.

ĐOÀN KẾT, PHẤN ĐẤU, SÁNG TẠO TRONG NGHIÊN CỨU ĐÀO TẠO VÀ CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGÀNH CHĂN NUÔI

GS. Trần Văn Hà

Nguyễn Tổng Cục trưởng – Tổng Cục chăn nuôi


Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2001 cho công trình “Nghiên cứu lợn lai có năng suất và chất lượng cao” đã là một mốc son trong lịch sự phát triển ngành chăn nuôi . Nó được chính thức trao tặng cho 11 bạn đồng nghiệp  ở Viện, Vụ, Trường tiêu biểu cho sự đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo trong nghiên cứu, đào tạo và chỉ đạo phát triển  ở những thời điểm gay go nhất của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại. Thực ra số người đáng được tặng thưởng còn nhiều hơn, nhưng một số bạn có công đã tự nguyện rút tên để việc xét duyệt của Hội đồng khoa học Trung ương được thuận lợi. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống của ngành.

Tôi bồi hồi nhớ lại . . .


- Đầu năm 1952, một buổi tối, trời lạnh, trong rừng âm u của chiến khu Việt Bắc. Trước khi ra Nghị định về việc tổ chức Bộ Canh Nông trong đó có Viện Chăn Nuôi, cố Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm thuyết phục chúng tôi “Thế hệ Bác Đỗ, các anh Tô Luận, Đào Văn Trung v.v. rồi thế hệ các anh Thịnh, Lương, Ninh, Hà, Hưng, Nhơn v.v. đều chỉ được đào tạo về Thú Y. Nay yêu cầu cuộc kháng chiến và của tiền tuyến đòi hỏi phải phát triển chăn nuôi, chứ không chỉ là đóng khung trong phòng chống dịch bảo vệ đàn gia súc. Một số các anh cần chuyên đi sâu nghiên cứu và phát triển chăn nuôi …” Thế là Bác Đỗ, anh Hưng, anh Nhơn và tôi tình nguyện chuyển sang làm chăn nuôi. Các anh Thịnh, Lương, Ninh, Trung, Vĩnh, Phước vẫn chuyên trách về Thú y. Lúc đầu thật lúng túng cả về lý luận và nội dung công tác nghiên cứu, công tác chỉ đạo chăn nuôi. Chúng tôi ở phòng chăn nuôi của Nha Chăn nuôi, rồ ở phòng chăn nuôi thuộc Vụ sản xuất nông nghiệp – Bộ Canh Nông, phối hợp với Bác Đỗ, anh Hưng  ở Viện trong việc nghiên cứu và chỉ đạo, tạo các mô hình mẫu về chống đói rét cho trâu, bò, tập luyện cho trâu bò miền núi ăn rơm,  về phòng trị bệnh cho bê, nghé ỉa phân trắng, về nuôi cá ruộng. Thời kỳ 3 năm phát triển kinh tế (1958-1960) và thực hiện Nghị quyết Trung ương V về phát triển nông nghiệp (1961-1965) thật đáng ghi nhớ. Nhiều anh em  ở Vụ, Viện, Trường được đi du học  ở Liên Xô, Đông Âu,  ở Trung Quốc trở về, Anh Trần Thế Thông  ở Pháp về. Đoàn của tôi gồm có anh Tô Luận (Viện), anh Trần Viết Giần (giám đốc chăn nuôi Liên khu 3) được Bộ cử đi nghiên cứu tổ chức ngành chăn nuôi – thú y tại 8 tỉnh  ở Trung quốc trong thời gian 8 tháng cũng trở về với một chương trình hành động đầy tham vọng v.v. Ngành chăn nuôi có thêm nhiều nguồn chí thức khoa học mới Âu, Á thật đáng mừng. Anh Phụ, anh Lưu Kỷ sau khi thực tập về thụ tinh nhân tạo  ở Quảng Tây Trung Quốc được sự giúp đỡ của Vụ và Viện đã tổ chức trạm thụ tinh nhân tạo đầu tiên cho lợn và bò  ở Trạm Lộ huyện Thuận Thành – Bắc Ninh. Ngân sách quá nghèo, trạm làm bằng tre nứa, vách đất, mái tranh nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hồi đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh uỷ viên Bộ chính trị (đại tướng chuyển ngành) là trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương. Được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5 khoá III về phát triển nông nghiệp. Một hôm đồng chí đột nhiên hỏi tôi “Thụ tinh nhân tạo là gì? . . . rồi anh bảo tôi đưa anh đi thăm Trại Thuận Thành. Anh tỏ vẻ rất thích thú thấy tinh trùng lợn đực giống Yorkshire  hoạt động mạnh trên trường kính hiển vi. Chưa thực tin về hiệu quả thiết thực, anh đòi đi xem tận mắt những đàn lợn lai trong các chuồng gia đình và những bê lai Sind “con đẻ của thụ tinh nhân tạo” tại xã Đại Đông Thành, xã trọng điểm của Trạm TTNT Thuận Thành, cũng là xã trọng điểm đầu tiên về nghiên cứu giống lợn lai, bò lai, về chỉ đạo phát triển giống lai của Viện và của Vụ Chăn nuôi.

Dọc đường về Hà Nội, anh Nguyễn Chí Thanh hỏi tôi về những lực lượng khoa học mới trong ngành, sẽ làm những gì tiếp theo và làm như thế nào, một khi được Nhà nước đầu tư để xây dựng Trạm Thuận Thành thành cơ sở khoa học truyền giống thụ tinh nhân tạo hiện đại thích hợp với Việt Nam. Tôi không ngờ rằng những mong ước của tôi và của một số anh em tâm huyết trong ngành  ở Vụ, Viện, Trường chỉ ít lâu sau đã trở thành hiện thực.

Đồng chí Nguyễn Chí thanh về đến Hà Nội, ngay ngày hôm sau đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp ba việc:

1. Đầu tư ngân sách đặc biệt xây dựng Trạm truyền giống gia súc, thụ tinh nhân tạo hiện đại đầu tiên  ở huyện thuận thành tỉnh Bắc Ninh.
2. Tiến hành điều tra cơ bản về giống gia súc, gia cầm, thức ăn gia súc và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn miền Bắc.
3. Chuẩn bị cho Hội nghị chăn nuôi toàn miền Bắc gồm 3 chuyên đề chính về kế hoạch phát triển giống gia súc, kế hoạch thức ăn và kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vào năm 1962 sau Hội nghị Trung ướng 3 sẽ họp vào tháng 7/1961.

Vụ Chăn nuôi chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động với Viện và Trường đại học Nông nghiệp thực thi những việc nói trên.

Thế là chúng tôi lại nhập cuộc.

Trong những thời điểm có nhiều thách thức nhất đối với tổ chức và hoạt động của Vụ Chăn nuôi, của Cục Thú Y cũng như những thành tựu làm phấn chấn anh chị em trong ngành, đều có sự tham gia chia sẻ đầy trí tuệ và tâm huyết của Viện Chăn Nuôi, Viện Thú Y nhất là của các Bác Đỗ, Tô Luận của các anh Thịnh, Thông, Doanh, Thiện, Đạt v.v.



 “Lúa xuân cùng với lợn lai
Chăn nuôi, trồng trọt đua tài tiến lên”

Đó là hai câu thơ của cố thứ trưởng Nguyễn Chương, theo dự luận của anh em trong và ngoài ngành chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp, nói lên thời kỳ “hoàng kim” của ngành chăn nuôi (1968-1975).

Anh Nguyễn Chương nguyên là bí thư tỉnh uỷ Hải Dương có thành tích lãnh đạo tỉnh Hải Dương với sự giúp đỡ của Vụ Chăn nuôi và Viện Chăn Nuôi thành tỉnh kiểu mẫu về chăn nuôi gia đình và chăn nuôi tập thể về VAC và về mạng lưới thú y, tiêu diệt và khống chế một số dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp đã triệu tập hai lần một hội nghị chăn nuôi, thú y toàn quốc tại đây để tổng kết kinh nghiệm. Vì vậy anh Nguyễn Chương được Trung ương Đảng điều động về làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp chuyên trách về chăn nuôi.

Lúc này nhiều công thức lai đã được khảo nghiệm:

Đại Bạch x ; Đại Bạch x Móng Cái; Đại Bạch x Lang Hồng; Bec-sai x ỉ.

Các cán bộ  ở Vụ Chăn nuôi được cử đi chỉ đạo  ở địa phương, đoàn chỉ đạo của Bộ do tôi làm trưởng đoàn gồm 30 kỹ sư mới tốt nghiệp khoá 6, 7 của Đại học Nông nghiệp I (các bạn Lê Bá Lịch, Vũ Trọng Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Lê Quang Phiệt v.v.) và một số cán bộ  ở trường,  ở Viện, đều có trách nhiệm tạo điểm lợn lai trong các mô hình  VAC, các trại lợn tập thể và triển khai ra các điểm tại các tỉnh Hải Dương, Hà Bắc, Hà Nam Ninh, Thái Binh, Hải Phòng, Lạng Sơn v.v.. Những kết quả về nghiên cứu lợn lai của Viện, của Trường, về triển khai ra diện của Vụ đều được đưa vào giáo trình giảng dạy của các trường Đại học và Cao đẳng nông lâm nghiệp. Nhiều tỉnh mời Vụ, Viện về tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo 3 cấp tỉnh,  ở cấp huyện về chăn nuôi, đi đầu là tỉnh Thái Bình. Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, lúc đó là chủ tịch tỉnh Thái Bình xung phong làm trưởng lớp, tình nguyện xin học cả phần lý thuyết và thực hành, đứng chuồng nuôi lợn lai một buổi thay anh chị em công nhân trong Trại lợn tập thể của Hợp tác xã nông nghiệp. Tôi bàn với anh Trần Thế Thông chọn những anh em đã làm công tác thực tế mới được giảng và nên giảng theo phương pháp tình huống. Lớp học đông quá mức quy định, nhiều tỉnh uỷ viên, huyện uỷ viên chưa được tham dự lớp học về chăn nuôi lại đâm ra thắc mắc. Không còn cấp uỷ nào  ở Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hải Phòng coi nhẹ chăn nuôi như trước nữa.

Nghị quyết của Hội Nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 19 năm 1971 (khoá III) đã vạch ra phương hướng tiến lên cho ngành là “sớm đưa chăn nuôi trở thành ngành chính theo hướng sản xuất lớn XHCN”. Nhiều cuộc tranh luận lại diễn ra: thế nào là ngành chính, thế nào là sản xuất lớn, thế nào là chăn nuôi sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa?

Miền Nam được giải phóng 30/4/1975.

Lại một đợt tập hợp lực lượng chủ chốt của Vụ, Viện, Trường cùng nhiều bạn đồng nghiệp mới, cũ  ở miền Nam đi điều tra nghiên cứu cơ bản về giống, thú y, về sản xuất lớn chăn nuôi trong nền kinh tế thị trường  ở miền Nam.

Ngày 5 tháng 6 năm 1980 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu đọc báo cáo khia mạc Hội nghị khoa học bàn về chiến lược “sớm đưa chăn nuôi trở thành ngành chính theo hướng sản xuất lớn XHCN” cán bộ khoa học chủ chốt của Vụ, Viện, Trường và của nhiều Sở Nông nghiệp đều có mặt và đọc tham luận. Cuốn “Đổi mới tổ chức quản lý, sớm đưa chăn nuôi trở thành ngành chính” được Nhà xuất bản Nông nghiệp được ra mắt bạn đọc năm 1984.

Báo cáo tổng luận về chiến lược đựa chăn nuôi lên thành ngành chính, sản xuất hàng hoá gắn với thị trường trong nước và ngoài nước, chương trình phát triển chăn nuôi đến năm 2000 (Trần Văn Hà), nhiều báo cáo khoa học của Viện) Trịnh Văn Thịnh, Nguyễn Thiện, Lê Viết Ly v.v.) của Trường Đại học Nông nghiệp (Nguyễn Đạo  Thân, Vũ Duy Giang v.v.) của Sở Nông nghiệp (Lê Đức Hảo, Vũ thị Kim Thịnh), rất đáng mừng là đến nay với công cuộc đổi mới vẫn mang tính thời sự.

Chỉ tiếc rằng, bước sang thế kỷ 21, thế kỷ của nền kinh tế tri thức, thế kỷ của sự hợp tác và cạnh tranh, trên con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp và chăn nuôi. Viện Chăn Nuôi vẫn thiếu một người bạn đồng hành thân thiết, đáng nhẽ không thể thiếu được. Vụ Chăn nuôi và Vụ Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp từ năm 1993 đã không còn nữa, đã được thay thế bằng Cục Khuyến Nông, một việc chưa từng có trong bất kỳ một nước nào.  nhiều nước công tác khuyến nông do nhiều tổ chức phi chính phủ đảm nhận.

Tôi có niềm tin vững chắc và hy vọng, việc phải đến sẽ đến. Viện Chăn Nuôi vẫn sẽ có người bạn đồng hành thân thiết là Vụ Chăn Nuôi, đầu não chiến lược của ngành, cơ quan chỉ đạo và quản lý Nhà nước về chăn nuôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét