Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 11)

THỰC TIỄN LÀ GỐC CỦA SỰ SÁNG TẠO TRONG KHOA HỌC CHĂN NUÔI

GS.TS. Nguyễn Văn Thiện

Nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền - Viện Chăn Nuôi

            Cơ sở vật chất của các Bộ môn Chăn nuôi thuộc Ban Chăn nuôi Thú y, khi mới được tách ra khỏi Học Viện Nông lâm (1963) rất nghèo nàn, thiếu thốn: Không có một phòng thí nghiệm nào đáng kể, chỉ có trại thí nghiệm Trâu Ngọc Thanh và Ngựa Bá Vân. 


Do vậy hầu hết các cán bộ nghiên cứu về chăn nuôi của Viện lúc đó đều đi về Hợp tác xã nông nghiệp và Nông trường để tiến hành các nghiên cứu thí nghiệm (kể các phó tiến sỹ, kỹ sư và trung cấp).
            Điều này không chỉ là một biện pháp không thể khác được đối với các cán bộ nghiên cứu về chăn nuôi của Viện trong những năm đầu xây dựng, mà đây còn là một biện pháp rất tốt để cán bộ nghiên cứu có thể nắm được yêu cầu của các cơ sở sản xuất, hiểu được các điều kiện sản xuất của các cơ sở và từ đó đề xuất được các vấn đề nghiên cứu mà sản xuất cần, cũng như tìm được các phương thức giải quyết sát hợp với sản xuất.

            Nhờ vậy các cán bộ nghiên cứu về chăn nuôi của Viện trong những năm 60 đã gặt hái được những kết quả rất có ý nghĩa.

            Các cán bộ nghiên cứu của Bộ môn nghiên cứu giống lợn đã tiến hành nghiên cứu lai tạo giống lợn Hà Nội, Nam Định . . . Từ đó đã góp phần hình thành chủ trương lai kinh tế lợn sau này đối với hai câu thơ của Thứ  trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Chương:

                        " Lúa Xuân cùng với lợn lai
                        Cả hai ngành ấy đua tài tiến lên "

và năm 2000, các nhà nghiên cứu giống lợn đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cùng với công trình " Nghiên cứu lợn lai có năng suất và chất lượng cao ". Phần lớn các tác giả của công trình khoa học này là các cán bộ nghiên cứu của Viện Chăn Nuôi.

            Các cán bộ nghiên cứu của Bộ môn nghiên cứu giống bò cũng đã tiến hành nghiên cứu lai tạo giống bò Hà Nội, Hà Tây . . . Từ đó cũng đã góp phần hình thành chủ trương, " Sind hoá " đàn bò vàng, lai tạo giống bò sữa sau này vào năm 2000, các nhà nghiên cứu giống bò sữa đã được tặng giải thưởng Nhà nước với công trình "Nghiên cứu tạo bò lai hướng sữa ở Việt Nam". Phần lớn các tác giả của công trình khoa học này cũng là các cán bộ nghiên cứu của Viện Chăn Nuôi.

            Muốn thực hiện được chủ trương tiến hành nghiên cứu thí nghiệm trong sản xuát tốt, cần phải có một đội ngũ cán bộ khoa học vừa hồng vừa chuyên. Hồi đó cán bộ trên đại học của Viện rất ít, cả Ban Chăn nuôi Thú y chỉ có hai cán bộ trên đại học, để đào tạo đội ngũ cán bộ trên đại học, Viện đã gửi một số cán bộ khoa học đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ. Đồng thời Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Bùi Huy Đáp đã đề xuất ý tưởng: Hiện nay ở Việt Nam Phó tiến sỹ nông nghiệp là kỹ sư lâu năm cộng với một ngoại ngữ. Tất nhiên so với tiêu chuẩn của một Phó tiến sỹ (nay là tiến sỹ) của nhà nước đã ban hành thì vấn đề không phải chỉ đơn giản là như vậy. Nhưng chính ý tưởng này đã nhấn mạnh vai trò của thực tiễn trong công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp, chính ý tưởng này đã động viên các cán bộ nghiên cứu không có điều kiện đi học để có học vị cao hơn phấn đấu. Từ đó đã có nhiều cán bộ nghiên cứu có những kết quả nghiên cứu xuất sắc trước khi có học vị cao hơn đại học.

            Như vậy có thể nói:  " Thực tiễn là cái gốc của sự sáng tạo trong khoa học nông nghiệp nói chung và khoa học chăn nuôi nói riêng ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét