Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 8)

.

39 n¨m c«ng t¸c vµ tr­ëng thµnh t¹i viÖn ch¨n nu«i

TS. Trần Công Xuân
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Gia cầm  Thuỵ Phương

1. Trưởng thành trong quá trình nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật
 
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp nông lâm TW, ngày 1/4/1964 tôi được Uỷ ban Nông nghiệp TW điều về nhận công tác tại Ban Chăn nuôi thú y thuộc Viện khoa học nông nghiệp. 
Ngay khi mới bước vào nghề, tôi đã được thử thách bằng những công việc tuy khó khăn nhưng đầy ấn tượng: Tham gia đề tài nghiên cứu: “Điều tra nguyên nhân trâu chết rét trong vụ đông thuộc vùng đồng chiêm trũng” do ông Lê Sinh Tặng chủ trì. Phương tiện giao thông không có, nên đi đến các điểm điều tra trong tỉnh đều phải đi bộ. Đến tháng 7/1964, anh Nguyễn Quý Tạ, ông Trần Văn Phấn và tôi được điều động đi xây dựng trại lợn giống Lê Thanh - Mỹ Đức - Hà Tây. Công việc đang triển khai thì tôi bị ốm đột xuất, phải đi Bệnh viện mổ cấp cứu 2 lần. Sức khoẻ suy kiệt và tưởng chừng không thể qua được. 
Tháng 6/1966, Tôi được chuyển về bộ môn thức ăn và dinh dưỡng thuộc Ban chăn nuôi do ông Lê Sinh Tặng làm trưởng và ông Nguyễn Đức Trân làm phó bộ môn. Sau đó, tôi được cử đến Hợp tác xã Dục Tú - Đông Anh – Hà Nội cùng các anh, chị Điềm, Cúc, Đô, Mấn, Tâm và anh Chính (béo) triển khai đề tài: “Nghiên cứu biện pháp tổng hợp để sản xuất 200 kg lợn thịt hơi /1ha canh tác” do đồng chí Lê Sinh Tặng chủ trì. Tôi được giao nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn vào nông hộ và trại tập thể. Để phổ biến kỹ thuật chăn nuôi lợn nhanh và hiệu quả, tôi đã tham gia sinh hoạt các đoàn thể và cùng đội văn nghệ biểu diễn khắp huyện vở chèo tự biên: “Nuôi lợn ăn bằng thức ăn sống ủ men”. Trong dịp này, có lần tôi cùng đoàn xe đạp thồ lên Việt Trì mua hạt cao lương giống về trồng làm thức ăn cho lợn, đã bị máy bay ném bom đúng nơi ở trọ, may mà không chết. Những năm tháng ấy, tổ công tác chúng tôi đã góp phần quan trọng đưa phong trào chăn nuôi HTX Dục Tú trở thành lá cờ đầu của thành phố và đã được tặng thưởng huân chương lao động hạng III về phong trào phát triển chăn nuôi.
Mặc dù công việc vất vả: có ngày tôi phải tiêm và thiến hàng trăm con lợn, con gà, hàng chục con trâu, nhưng tôi vẫn đi bộ ra Hà Nội học bổ túc văn hoá cấp III.  Cuối năm 1966, đã thi đỗ vào khoa tại chức Trường Đại học Nông nghiệp I và học tại nơi sơ tán. 
Năm 1971, tôi được điều đến trại lợn HTX Phù Dực - xã Phù Đổng - Gia lâm - Hà Nội để thực hiện đề tài: Nghiên cứu thức ăn hỗn hợp nuôi lợn do anh Huỳnh Văn E làm chủ trì. Lúc đó, phải dùng xe đạp đi mua thức ăn và lợn giống về làm thí nghiệm. Khi thí nghiệm đợt 2 đang được triển khai, thì  đê sông Đuống bị vỡ vào đầu tháng 9/1971. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh vỡ đê và tham gia chạy lũ lụt. Tổ công tác chúng tôi cùng công nhân chăn nuôi chuyển trên 400 con lợn và những tài sản quan trọng lên đê. Sau khi ổn định công việc, tôi phải dùng túi ni lông do máy bay thả thức ăn cứu trợ để làm phao bơi về nhà ở Dục Tú. Về tới nhà là 12 giờ đêm, đúng lúc nước tràn vào làng, vợ tôi hai tay bế 2 cháu đang khóc, vừa chuyển 2 cháu đến nơi an toàn thì hai gian nhà tranh trát vách đổ ụp. Sau khi nước rút, vừa khôi phục đàn lợn thí nghiệm vừa lo làm nhà. Sau 1 tháng đã có ngôi nhà mới ở thì lại bị cháy trụi do máy bay B52 ném bom ngày 26/12/1972. Tôi lại phải đi vay mượn để khôi phục lại chỗ ở. 
Cuối năm 1973, tôi đã hoàn thành chương trình học đại học. Năm 1974, ông Nguyễn Đức Trân làm Trưởng bộ môn thay anh Nguyễn Văn E về miền Nam công tác. Trong thời gian này, việc nghiên cứu thức ăn cho lợn có 2 quan điểm: một là thâm canh rau xanh sẽ thu được nhiều đơn vị thức ăn và đúng ý chỉ đạo của cấp trên; hai là nuôi thâm canh bằng thức ăn hỗn hợp có bổ sung các loại Premix, vitamin và khoáng vi lượng, không cho ăn rau xanh đối với lợn thịt và giảm tỷ lệ rau xanh đối với lợn nái. Ông Nguyễn Đức Trân và tôi đã theo đuổi quan điểm này. Một lần, chúng tôi cân lợn nái thí nghiệm, quyển sổ nhật ký chẳng may bị lợn mẹ cắn nát lẫn vào đống phân, chúng tôi đã nhặt từng mảnh giấy vụn trong phân lau sạch, dán lại để sao chép lưu giữ số liệu. Sau 4 năm nghiên cứu, HTX đã chấp nhận và cho phép ứng dụng kỹ thuật nuôi lợn thâm canh bằng thức ăn hỗn hợp vào sản xuất đại trà. Đây là địa chỉ đầu tiên để các đơn vị đến thăm quan mô hình. Sở nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức tập huấn mở rộng toàn thành phố. HTX Phù Dực đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III về chăn nuôi. Nhân dịp này, HTX đã thưởng cho chúng tôi 1 con lợn 30 kg, nhưng Viện không cho phép nhận. Đến năm 1977, Công ty thức ăn gia súc Thái Bình đã đề nghị chúng tôi giúp đỡ thực nghiệm mô hình này, nhưng bị phản ứng quá mạnh. Vì vậy, phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo từ  tỉnh đến xã. Cuối cùng, đàn lợn nuôi thực nghiệm rất tốt, tỉnh cho phép ứng dụng rộng rãi và được đồng chí Phó chủ tịch tỉnh tiếp.
Năm 1978, tôi được giao làm phó chủ trì đề tài: “Nghiên cứu công thức trồng cây thức ăn trên đất giành cho chăn nuôi”. Tôi cùng với anh Hải và anh Quý được giới thiệu đến huyện Tân Yên, Hà Bắc nghiên cứu. Sau buổi họp đầu tiên với lãnh đạo huyện và các cơ sở để chọn điểm rất trọng thể, hai đồng nghiệp của tôi không đồng ý làm điểm ở đó, nên phải chuyển đến xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, Hà Bắc để triển khai đề tài này. Sau hai năm đã xác định được công thức 2 lúa + 1 ngô hoặc đỗ tương đông đạt hiệu quả cao nhất. Năm 1980 áp dụng mở rộng công thức này trên địa bàn hai xã Tân Hồng và Phù Khê. Chỉ trong 10 ngày đã trồng xong gần 100 mẫu ngô và đỗ tương đông. Nhìn những thửa ruộng hạt giống đang nẩy mầm đồng loạt và xé đất chui lên, mọi người đều phấn khởi. Nhưng tiếc thay, một trận mưa rào như cây nước đổ đã làm cánh đồng ngập nước, mọi người chán nản. Một mình với chiếc cuốc, tôi đã lết khắp cánh đồng để tháo nước xuống mương, nhưng vẫn mưa to. Thế là hạt giống đã chuyển thành phân. Tôi tiếp tục vận động bà con trồng lại ngô và đậu tương trên nền đất ướt. May thay, vụ đông năm đó lại bội thu, không có gì hạnh phúc hơn, khi đi qua cánh đồng đang thu hoạch, mọi người đã chọn những bắp ngô to giành cho tôi và cũng năm đó Thứ trưởng Tống Trần Đào đã tổ chức hội nghị tổng kết cây trồng vụ đông toàn miền Bắc tại xã Phù Khê.
2. Trưởng thành trong quá trình công tác quản lý, xây dựng đơn vị 
Ngay từ khi mới nhận công tác, tôi đã được giao làm thư ký Ban chăn nuôi thú y và kiêm quản lý nhà ăn tập thể tại Bạch Mai. Khi Viện sơ tán lên Phố Thắng - Hiệp Hoà - Hà Bắc, tôi được phân công ở lại với Bác Trưởng Ban Tô Luận và anh Đỉnh để xây tường bao quanh giữ đất Bạch Mai (Viện thú y ngày nay). Mỗi tháng, anh em trong Ban về sinh hoạt 2 ngày và bao giờ cũng tổ chức 1 bữa ăn tươi. Mọi người nghèo lắm nhưng giàu tình cảm, kỷ cương nghiêm minh, đặc biệt là trong khi họp bảo vệ đề cương hoặc báo cáo khoa học, chúng tôi rất vất vả vì phải tranh luận nhiều có khi phấn viết dây khắp người. Hàng năm, tôi tham gia tổ chức Hội nghị Đoàn viên điển hình về phong trào chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Đầu năm 1981 Viện điều tôi về công tác tại Trạm vật tư nghiên cứu chăn nuôi mới thành lập. Cơ sở vật chất của Trạm nghèo nàn với chiếc xe tải mô nô rách, không có vốn, lấy hội trường của trại làm kho, phương tiện đi lại bằng chiếc xe Suzuki lốp săm kép và xích  lộn. Khi đó anh Nguyễn Công Quốc - Trạm trưởng phụ trách ở miền Nam, chị Trần Thị Minh Tâm - Phó trạm trưởng thường trực, còn tôi đi vay vốn của các HTX để mua thóc, chở lên Yên Bái đổi sắn, nhận cám theo kế hoạch cùng bột cá mua tại miền Nam chuyển ra để chế biến thức ăn hỗn hợp lại đổi lấy thóc. Trên đường vận chuyển, thường kết hợp chở cát, mua cà chua, su hào, khoai tây bán lấy tiền ăn đường. Gần hai năm hoạt động, Trạm đã có nguồn vốn khá, tôi được giao xây dựng hệ thống kho xưởng. Công việc vừa ổn định thì ngày 10/10/1983, tôi lại được điều làm đội trưởng đội chăn nuôi gia cầm. 
Đây là một việc quá sức bởi tôi chưa có kinh nghiệm quản lý và  chưa hiểu biết về chăn nuôi gia cầm. Khi nhận bàn giao, đội ngũ cán bộ chưa có một người trên đại học, cơ sở vật chất tuềnh toàng và đang xuống cấp nghiêm trọng, các phòng làm việc không có một bóng đèn để thắp, toàn khu được che phủ một lớp cỏ dại dày và cao ngang người. Đàn gà có gần 800 con loại 4-5 tháng tuổi đã gầy xẹp đang chết dần.
Trước tình hình đó, việc đầu tiên tôi làm là đi tham quan và học tập một số cơ sở nuôi gà tiên tiến ở miền Bắc, sau đó đã chỉ đạo triển khai ngay một số việc như: tổng vệ sinh khu vực, đào vét hệ thống mương, rãnh thoát nước, san lấp hệ thống đường nội bộ và xử lý hố chôn gà, lắp ráp hệ thống thiết bị ăn uống gồm 1 chuồng gà nền và 1 chuồng gà lồng do Liên hiệp quốc tài trợ, xác định được nguyên nhân gà chết là do ăn bột cá mặn và quyết định thay bằng bột cá nhạt. Chỉ sau một thời gian, đàn gà đã được khôi phục. Trong giai đoạn đó, tôi đã chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng bệnh, đồng thời cải tiến hàng loạt biện pháp quản lý như: khoan giếng, cung cấp nước uống tự động cho đàn gà; chống nóng và che chắn chuồng gà; tổ chức chăn nuôi 3 ca, khuyến khích lao động bằng cách đưa các khoản Viện cấp vào lương, thực hiện chế độ thưởng, phạt nghiêm minh, dân chủ; bán sản phẩm theo giá thị trường vv…
Những đổi mới của đội gia cầm được các đồng chí lãnh đạo Viện và đồng chí Nguyễn Đăng Vang Bí thư chi bộ rất ủng hộ. Sau 2 năm nhận việc, những khó khăn cơ bản đã được giải quyết. Mọi người hăng say lao động, năng suất chất lượng nâng cao rõ rệt, sản phẩm ngày một nhiều, đời sống cán bộ công nhân ngày một cải thiện. Năm 1985 Viện đã quyết định đổi tên thành Trại nghiên cứu chăn nuôi gia cầm và được Nhà nước công nhận nhóm giống gà Rhode-Ri.
Tháng 2/1989 Trại nghiên cứu chăn nuôi gia cầm được đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, tôi được Viện bổ nhiệm làm giám đốc. Trong thời gian này, toàn khối Viện gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động. Cơ chế quản lý của Viện được đổi sang hạch toán kinh tế độc lập. Các trại chăn nuôi lợn tập thể hầu như bỏ không, Trung tâm  đã thuê trại chăn nuôi lợn Cầu Diễn, trại chăn nuôi Thạch Bàn để cải tạo thành chuồng nuôi ngỗng xuất khẩu, trại lợn Phù Đổng (Hà Nội) và trại lợn Phùng Thượng (Hà Tây) được cải tạo thành chuồng nuôi gà và thuê một cơ sở tại ngã tư trường Đảng làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm và kinh doanh. Đàn ngỗng sinh sản lên tới 3000 con, Trung tâm tổ chức ấp trứng, đưa ngỗng 1 ngày tuổi đến hộ nông dân các tỉnh nuôi theo hợp đồng lấy thịt xuất khẩu. 
Tháng 11/1989, Ban giám đốc Viện quyết định tôi kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, để giải quyết khó khăn  chính là lãnh đạo Trung tâm thực hiện tốt dự án VIE 86-007. Việc đầu tiên xuất tiền của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương để trả hết nợ vay ngoài, với lãi suất 12%, thanh toán tiền lương kịp thời cho CBCNV và mua thức ăn cho đàn vịt. Tôi đã tập trung chỉ đạo nuôi dưỡng, chăm sóc đàn vịt mới nhập, thanh lý những đàn vịt không đủ chất lượng; chuyển một số lao động chưa có việc làm lên Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương; tổ chức khoán sản xuất gạch, khoán máy ấp trứng, tạo điều kiện cho CBCN viên phát triển kinh tế gia đình. Từng bước CBCN đã ổn định việc làm và đời sống, dự án triển khai thuận lợi. 
Năm 1990, Trung tâm đã chuyển 50% đàn vịt ông bà hậu bị vào Trung tâm nghiên cứu chuyển giao TBKT miền Nam. Khi Dự án VIE 86-007 sắp kết thúc, tháng 11/1991 tôi được Viện cho thôi kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vịt Đại Xuyên. Lúc này, giá thức ăn tăng quá cao, nợ ngân hàng quá hạn nhiều, nên không vay tiếp được vốn. Do rất khó khăn, nên  Viện yêu cầu phải diệt hết đàn gà công nghiệp, để lại 300-500 gà mái Rhode-Ri. Nhưng, Trung tâm chỉ giảm từ 4000 con xuống còn 2000 con gà hậu bị Rhode-Ri. Khi có gà giống bán, ở miền Bắc giá quá thấp, nhưng tại miền Nam giá lại cao, nên Trung tâm đã cử anh Nguyễn Hữu Cường cùng tôi chuyển đàn gà giống vào miền Nam để bán với sự giúp đỡ của anh Lê Thanh Hải -Giám đốc Trung tâm Bình Thắng và chị Nguyễn Thị Hồng giám đốc Xí nghiệp gà Hồng Sanh. 
Khi sản phẩm con ngỗng bị bế tắc, trong khi đó con ngan dễ nuôi, nhu cầu thị trường lại cao, nhưng chưa được quan tâm. Trung tâm đã đề suất và được ông Viện trưởng Nguyễn Thiện cho phép  triển khai nghiên cứu và phát triển con ngan, bắt đầu bằng đề tài: “Điều tra tình hình chăn nuôi ngan” do đồng chí Lê Thị Thuý thực hiện. Đồng thời, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu và phát triển gà chăn thả. Song song việc khôi phục cơ sở, Trung tâm đã tranh thủ cử cán bộ đi đào tạo để nâng cao trình độ về mọi mặt. Đến năm 1993 chúng tôi trả hết nợ và từng bước mở rộng quy mô. Do đàn gà và ngan tăng quá nhanh với quy mô trên 20 nghìn con, lúc này thiếu chuồng, thiếu máy ấp, Trung tâm đã huy động vốn của CBCN để xây dựng chuồng trại và mua máy ấp. 
Năm 1995, sau chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm của Bộ trưởng cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng, Bộ cho phép lập dự án đầu tư: “Xây dựng cơ sở nhân giống gà Tam hoàng dòng 882” với quy mô 4.000 mái đẻ. Năm 1996, Bộ và Viện lại giao thêm dự án: “Nghiên cứu nuôi giữ và phát triển cá sấu ở Việt Nam”. Năm 1997 Bộ phê duyệt đầu tư dự án: “Mở rộng và nâng cấp Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương”; tập trung xây dựng trại đà điểu, ngan và chim bồ câu Pháp. Năm 1994, Bộ phê duyệt dự án đầu tư "Phát triển giống gà chăn thả năng suất chất lượng cao".
Từ một đội chăn nuôi gia cầm, đến nay Trung tâm  đã có 148 CBCNV, trong đó gần 60 cán bộ quản lý và khoa học có trình độ đại học trở lên, đã và đang đào tạo 7 tiến sĩ và 7 nghiên cứu sinh, 15  thạc sĩ, 5 học viên cao học, 9 kỹ sư . Trung tâm có 24 công trình nghiên cứu được công nhận là TBKT; đang triển khai gần 50 đề tài thí nghiệm, 3 dự án XDCB, 1 dự án P cấp Nhà nước, 1 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 1 dự án hợp tác nghiên cứu với Hungari và chuẩn bị được phê duyệt 1 dự án P cấp Nhà nước. Hiện đang nuôi giữ 24 dòng gà chăn thả năng suất chất lượng cao với trên 40 nghìn con, 11 dòng ngan Pháp gần 10 nghìn con, 4 dòng đà điểu với 980 con, 3 dòng chim bồ câu với 3000 con và 87 con cá sấu. Cơ sở vật chất của Trung tâm khang trang, với những thiết bị hiện đại. Đời sống CBCN viên ngày một nâng cao. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và khẳng định: gà chăn thả năng suất chất lượng cao, ngan và chim bồ câu Pháp, đà điểu đã thích nghi và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, cá sấu nước ngọt Cu ba có khả năng nuôi sống ở ao tự nhiên trên miền Bắc. Trung tâm đã thực sự trở thành một đơn vị đứng đầu về công tác nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia cầm của cả nước.
Ngoài công tác lãnh đạo trại, tôi còn tham gia với Viện trong nhiều hoạt động văn thể. Từ khi Viện Chăn nuôi được thành lập (1969), tôi được giao chuẩn bị chương trình liên hoan văn nghệ. Đêm liên hoan văn nghệ vui lắm, trong đó có vở chèo “Ông Tư tỏi” do tôi  đóng vai chính. Từ đó, anh em trong Viện đã đặt cho tôi một tên mới: “Xuân chèo”. Khi tôi là Phó chủ tịch công đoàn Viện, trong đợt kỷ niệm 15 năm thành lập Viện (1985), tôi được giao làm trưởng ban văn thể. Hội diễn văn nghệ và hội thao lần này được tổ chức khá rộng rãi và hiệu quả. Tất cả các đơn vị thuộc Viện đều tham gia 3 ngày liền, đủ các thể loại. Hầu hết các đơn vị đã thuê đạo diễn và huấn luyện viên, huy động hết nhân tài vật lực. Trong buổi diễu hành của các đơn vị, tôi đã thuyết minh suốt 3 giờ liền khàn đặc cả tiếng. Trại chăn nuôi gia cầm đã giành giải nhất hầu hết các môn. 
3. Một số cảm nghĩ chung thay phần kết luận
Sau 39 năm công tác tại Viện được, thuyên chuyển 8 lĩnh vực khác nhau, luôn khó khăn và vất vả, nhưng được sự quan tâm, dìu dắt của các đồng chí lãnh đạo Viện và Bộ, của những người thầy, người anh, của bạn bè đồng nghiệp, của những người thân với sự cố gắng của bản thân đã rèn luyện bởi vì luôn năng động sáng tạo, quyết tâm vượt khó, tranh thủ học tập. Sau gần 25 năm công tác, tôi đã được kết nạp vào Đảng. Từ 1 cán bộ trung cấp văn hoá lớp 7 đã trở thành tiến sĩ chuyên ngành chăn nuôi. Đến nay đã chủ trì và tham gia 69 đề tài nghiên cứu và tham gia đào tạo 5 tiến sĩ, 7 thạc sĩ; Được tặng 7 bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN &PTNT, 10 bằng lao động sáng tạo và 1 bằng khen của tổng LĐLĐ Việt Nam, 1 bằng khen  Chính phủ và 2 huân chương lao động hạng III.
Đến nay sắp được nghỉ theo chế độ, tôi vô cùng hạnh phúc bởi suốt 39 năm qua đã không để lãng phí thời gian, trong mọi lĩnh vực công tác đều được các đồng chí lãnh đạo tin tưởng, bạn bè đồng nghiệp và những người thân thương yêu, để lại trong tôi điều vô cùng quý giá, đó là tình người. /.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét