Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm xây dựng và phát triển Viện Chăn nuôi: Những nhân vật tiền bối (phần 5)

NGHĨA TÌNH SÂU NẶNG

KS. Nguyễn Gia Duy

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi


Nhớ lại ngày ấy, vào mùa lũ năm 1971, khi nước Sông Hồng phân lũ về Hà Tây để giữ an toàn cho Thủ đô Hà Nội, Trại thí nghiệm lợn Lê Thanh của Viện (ở huyện Mỹ Đứcë, tỉnh Hà Tây) là “rốn chứa nước phân lũ”, đã bị nhấn chìm dưới 2 mét nước.

Toàn bộ đàn lợn giống, lợn thí nghiệm trên 600 nái sinh sản và gần 100 đực giống quý các loại đều lênh đênh trên mặt nưóc lũ. Giữa lúc mênh mang biển nước ấy, trên 50 cán bộ công nhân viên của Trại đang vật lộn với lũ để bảo đàn lợn, vật tư, thiết bị của Trại, thì đồng chí Viện trưởng Trần Thế Thông cũng vượt lũ tìm đến với chúng tôi. Sau khi xem xét, đã hài lòng với việc đối phó với lũ của CBCNV Trại, đồng chí đã nêu ý kiến “ Phải tìm một địa điểm mới để chuyển Trại, không thể  ở vùng phân lũ được”

Sau đó, tôi được theo đồng chí Viện trưởng đi khá nhiều tỉnh (Nam Hà, Hoà Bình, Hà Bắc, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hải Phòng v.v.) để tìm địa điểm chuyển Trại nhưng đều không đạt được ý muốn.

Trước tình hình trên, chúng tôi đã được sự đùm bọc của Ban giám đốc Viện, các phòng – Ban, Bộ môn và Trại Thuỵ Phương chia xẻ cho nhà  ở, phòng làm việc, chuồng trại v.v. và cuối cùng chuyển về Viện là một phương án thích hợp nhất.

Nhớ lại vào một buổi sáng đẹp trời, tôi theo đồng chí Viện trưởng mạnh dạn đến tư gia đồng chí Hoàng Anh – Bí thư Trung ương Đảng – Chủ nhiệm Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương (tại 25 đường Chùa Một Cột gần Lăng Bác) để xin được duyệt tờ trình cho phép chuyển Trại Lê Thanh (Mỹ Đức –Hà Tây) về Từ Liêm (Hà Nội) cùng với đàn lợn nghiên cứu và 50 cán bộ công nhân viên và gia đình đi theo. Buổi gặp gỡ ấy đạt kết quả to lớn, có được bút phê duyệt chi tiết cho phép chuyển Trại, đặc biệt là cho 50 cán bộ công nhân viên và gia đình vào Hà Nội cùng thời gian nhập Trại. Vào những năm đó việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội phải có chỉ tiêu của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, sổ gạo có sự thoả thuận của Bộ Lương thực, tem phiếu thực phẩm qua duyệt của Bộ Nội thương v.v. Tiếp sau, cấp Bộ duyệt lại đến cấp Sở Lương thực, thực phẩm, thương mại, bách hoá v.v. bao nhiêu cầu cấp ấy mà Viện đã vượt qua, lo cho anh chỉ em nhập khẩu trót lọt (50 cán bộ công nhân viên và 16 trẻ em ăn theo) thật là một điều kỳ diệu vào thời kỳ bao cấp đó.

Công lao đặc biệt to lớn ấy của Ban giám đốc Viện và các Phòng Ban với chúng tôi là một sự kiện không thể nào quên được.

Đối với những người nghiên cứu khoa học như chúng tôi, việc chuyển về Hà Nội còn thực sự là một bước ngoặt rất lớn trong đời mỗi người, ngoài sự đùm bọc chia xẻ mãi mãi còn đọng trong tâm khảm mỗi người, còn tạo điều kiện thuận lợi để “an cư lạc nghiệp” và làm  tốt hơn công tác khoa học.

Ngày nay, nhiều đồng chí trong chúng tôi đã có nhà cửa khang trang, đất vườn rộng rãi, con cái thành đạt v.v. đang sống một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc, ngay trên mảnh đất thuộc Viện hoặc lân cận Hà Nội.

Cũng khó mà quên được sự giúp đỡ tận tình cho Trại lợn Lê Thanh của đồng chí Nguyễn Khắc Canh - nguyên bí thư huyện uỷ Mỹ Đức (cấp uỷ cấp trên của chi bộ Trại Lê thanh – Mỹ Đức – Hà Tây), lúc Trại được chuyển về Hà Nội, đồng chí là thường vụ tỉnh uỷ Hà Tây kiêm Trưởng ty thuỷ lợi tỉnh (đơn vị quản lý đất Sông Nhuệ) đã chấp thuận đề nghị của Viện cho Viện được quản lý, sử dụng đoạn đất lưu thông dọc sông Nhuệ (phần giáp viện). Nhờ đó, mà Viện có đất làm gạch tại chỗ, để xây dựng cơ sở chuồng trại, nhà cửa và đây chính là cơ sở để tạo điều kiện cho một số cán bộ công nhân viên sử dụng đất lưu không này xây nhà cửa, tạo vườn tược của mình một cách hợp pháp và cũng từ đây, kinh tế gia đình sung túc dần dần lên.

Nếu không có Viện, tự hỏi ... làm sao có được cuộc sống như ngày nay!

Riêng với bản thân tôi, một cán bộ Trung  cấp chăn nuôi về công tác đầu tiên  ở Ban chăn nuôi Thú y thuộc Viện (1963), đã được sự dìu dắt của Ban giám đốc, các phòng, Ban, Bộ môn v.v. đã trưởng thành từng bước, làm Trại trưởng 3 Trại thí nghiệm chăn nuôi thuộc Viện (Ngọc Thanh, Lê Thanh, Thuỵ Phương). Tiếp đến là Phó viện trưởng Viện Chăn Nuôi, Vụ phó, Vụ trưởng Vụ Chăn nuôi và 14 năm liên tục cuối đời (trước khi nghỉ hưu) là Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp – Công nghiệp thực phẩm.

Nghĩa tình sâu nặng không bao giờ quên Viện!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét