Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 10)

THỜI KHÓ QUÊN - NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG NHỚ

 KS. Lưu Kỷ

Nguyên Phó Phòng Khoa học – Viện Chăn nuôi


            Hơn 40 năm gắn bó với ngành chăn nuôi, từ chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lúc đó là Nha Thú – Ngư (Nha Thú y Mục súc Ngư nghiệp) tiền thân của Viện Chăn Nuôi (1952), nhiệm vụ chủ yếu của Nha là: Phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, đến thời kỳ Viện Chăn Nuôi nhiệm vụ nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi và thú y để hướng dẫn bà con nông dân và phục vụ sản xuất.


            Thời kỳ  ở chiến khu Việt Bắc, cán bộ công nhân viên có rất ít, cơ quan làm việc  ở nhà tranh, vách nứa trong rừng sâu hoặc sơ tán  ở nhà đồng bào dân tộc. Mỗi lần di chuyển, cán bộ nhân viên trèo đèo, lội suối, băng rừng v.v. Gánh sọt hồ sơ, vai mang ruột tượng gạo, vì cơ quan ttrang thiết bị còn quá nghèo nàn. Đời sống rất vất vả,  ở nhà tranh vách nứa, ngủ giường khung bằng cây rừng, sàn là phên nứa tự đan ken, ăn cơm độn khoai, sắn với thức ăn ngọn lá sắn và măng rừng là chủ yếu v.v. Nhưng, cuộc sống rất vui, trong cơ quan anh chị em gắn bó với nhau như ruột thịt, mỗi lần có người đi công tác xa, kẻ đi nhớ cơ quan nhớ bạn; người  ở lại mong bạn mau trở về. Đêm đông giá lạnh trong rừng sâu, hết giờ làm việc rủ nhau vào rừng vác củi về sưởi, rồi trong đống than hồng được vùi những củ sắn tươi, nướng chín mùi thơm phưng phức, lại chia nhau từng mẩu sắn lùi v.v. Đôi khi vào ngày nghỉ lại vào rừng vác củi để đêm đốt lửa trại, quây quần quanh đống lửa hồng cùng nam nữ đồng bào dân tộc ca hát và nhảy múa. Đồng bào dân tộc coi chúng tôi như con trong nhà và chúng tôi  ở với đồng bào cũng như  ở nhà mình. Tình cảm chân thành sao kể xiết!

Những  kỹ niệm sinh hoạt đời thường nhiều lắm! rất đỗi khó quên.

            Còn công tác trong ngành, do hoàn cảnh kháng chiến cán bộ xuống dân để nghiên cứu chỉ đạo hướng dẫn sản xuất. Tôi nhớ mãi, Viện Chăn Nuôi tổ chức một đoàn cán bộ xuống dân để nghiên cứu phòng chống toi gà, do Giáo sư Điền Văn Hưng làm trưởng đoàn. Địa điểm chọn  ở những trục giao thong chính; có phố và chợ; nơi ven sông v.v. thường dễ xảy ra dịch toi gà. Lúc đó,  ở các thị xã,  ở đầu mối các trục giao thông lớn đều có bảng ghi 10 điều kết ước chống toi gà. Gà chết nhiều, ngành thú y chưa hề có thuốc phòng trị, nên đoàn đã nghiên cứu các biện pháp phòng trị như: Phát hiện gà ốm nuôi cách ly mỗi con một lồng treo cao, về cuối hướng gió. Gà ốm cho ăn ngô thóc ngâm với nước tỏi hoặc giã tỏi nhét vào miệng gà; xông bồ kết, uống nước vôi trong v.v. nếu con nào diều căng thì mổ bỏ thức ăn ra, khâu lại. Xây dựng bảng kết ước trong dân, ngăn chặn không cho đưa gà từ ngoài vào và áp dụng những biện pháp có kết quả mà đoàn đã thu được. Sau đợt nghiên cứu và chỉ đạo đoàn đã xây dựng bảng kết ước phòng chống toi gà từ 10 điều xuống 5 điều để dân dễ nhớ, dễ thực hiện và có hiểu quả nhất định.

            Thời kỳ này, nghiên cứu và chỉ đạo các gia súc khác như: tiêm phòng chống dịch cho trâu bò, cho lợn; chống rét cho trâu bò, cũng tương tự như vậy.

            Hoà bình lập lại  ở miền Bắc (1954), Viện Chăn Nuôi từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ Đô, trên chiếc bè nứa  lớn, có mui che; người và hồ sơ tài liệu từ từ xuôi dòng sông Lô về bến phà Đen sông Hồng (Hà Nội). Tạm biệt núi rừng, về với thủ đô vui mừng khôn xiết, thoả mãn ước mong, biết bao kỷ niệm còn ghi sâu trong ký ức.

            Việc coi trọng thực tiễn sản xuất là “ Phòng thí nghiệm để nghiên cứu” đã hình thành trong tôi từ những ngày  ở chiến khu Việt Bắc. Cho nên sau thời gian đi thực tập kỹ thuật Thụ tinh nhân tạo gia súc  ở Trung Quốc về, chúng tôi đã báo cáo kết quả học tập và đề xuất triển khai nghiên cứu thử nghiệm với cố Bộ trưởng Nghiêm Xuan Yêm, để được áp dụng ngay các thành tựu KHKT của bạn. Tôi nhớ mãi, có Bộ trưởng nói đại ý là: “Nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật của ta học tập, tham quan  ở nước ngoài về thường muốn áp dụng ngay các việc làm hiện tại của bạn; ít cán bộ tìm hiểu sở dĩ bạn đạt được như ngày nay, bước đi từng giai đoạn như thế nào? để ta liên hệ xem điều kiện của ta  ở giai đoạn nào của bạn. Nếu muốn áp dụng ngay thành tựu của bạn, cũng cần nghiên cứu yêu cầu sản xuất và điều kiện của bạn rồi so sánh với yêu cầu sản xuất và điều kiện mọi mặt của ta, cái gì giống, cái gì khác, cái gì đủ và cái gì còn thiếu, còn yếu v.v. có như vậy đễ xuát mới đúng, mới trúng”

            Qua thực tế kiểm nghiệm, khi triển khai nghiên cứu thử nghiệm, kỹ thuật TTNT lợn, chúng tôi chỉ đơn thuần dùng tinh dịch lợn đực ngoại, dẫn tinh cho nái nội để đẻ ra con lai, coi thế là thành công. Nhưng tập quán chăn nuôi cổ truyền trong dân nuôi lợn theo phương thức tận dụng có gì ăn nấy; còn nhu cầu con lợn lai đòi hỏi ăn nhiều hơn mà nông dân chưa hiểu biết và cũng chưa có điều kiện  đầy đủ nên lợn lai phá phách, nhảy qua chuồng để ra ngoài kiếm ăn v.v. nên dân gọi đó là lợn “ nhai kinh tế”. Lợn lai cao chăn đói ăn thành thân càng dài, lông dựng đứng, tai vểnh, mắt xanh v.v. thành lợn “lai kinh thế”!.

            Về nhận thức kỹ thuật TTNT gia súc còn vưỡng mắc trong hệ thống tư tưởng phong kiến, hình ảnh lợn đực nhảy giá lấy tinh, thao tác dẫn tinh cho lợn nái v.v. những hình ảnh ấy, ngôn từ ấy, họ cảm thấy “xấu”, nên hiện tượng một số cán bộ kỹ thuật lảng tránh, dân lạc hậu dễ xuyên tạc, nên kỹ thuật viên dễ nản lòng, Ví dụ: có nữ kỹ thuật làm công tác TTNT lợn, bị đùa bằng những lời độc địa như: “ làm công tác này khỏi phải lấy chồng” v.v.

            Chỉ một hiện tượng này cũng đủ chứng minh, ý kiến của cố Bộ trưởng Nghiêm Xuân Yêm là đúng. Bởi chúng tôi chưa nghiên cứu giải quyết đồng bộ để đưa con lợn lai vào sản xuất như: Trình độ dân trí, tập quan chăn nuôi cổ truyển, dân còn nghèo chưa đủ điều kiện nuôi con lai, nhu cầu thịt chưa cao còn  ở chế độ tem phiếu, thậm chí cả thị hiếu nhìn con lợn lai mầu trắng hoặc loang cũng chưa ưa thích.

            Trong kỹ thuật TTNT lợn nhiều khâu kỹ thuật được nghiên cứu ứng dụng ngay trong sản xuất như:
            - Nghiên cứu đặc điểm tinh dịch của một số giống lợn, nhất là lợn đực trong nước, được nghiên cứu thử nghiệm  ở các cơ sở sản xuất tinh dịch của địa phương.
            - Nghiên cứu ứng dụng một số môi trường pha loãng tinh dịch lợn và kỹ thuật bảo quản  ở một số trạm, trại, tỉnh, huyện và trong sản xuất.
            - Nghiên cứu sinh lý động dục và thời điểm dẫn tinh thích hợp cho các đối tượng lợn nái, cũng được tiến hành trong các Trại chăn nuôi tập thể và trong dân.
            - Nghiên cứu thử nghiệm liều lượng dẫn tinh và số lượng tinh trùng cần thiết cho một lần thụ thai của lợn,  ở các trạm Thụ tinh nhân tạo địa phương và đàn lợn nái trong dân.
            - Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật dẫn tinh cho lợn nái cũng dựa trên đàn lợn nái của nhân dân v.v. 

            Khoa học kỹ thuật nông nghiệp nói chung và chăn nuôi  nói riêng, tất nhiên có một số nội dung nghiên cứu cơ bản định hướng, cần có phòng thí nghiệm và trang thiết bị hiện đại hoặc gia súc nuôi thí nghiệm. Còn phần lớn KHKT chuyên ngành có tính chất ứng dụng, thử nghiệm nên cũng dễ dàng tiến hành ngay trong sản xuất. Trong chăn nuôi các khẫu kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng không riêng cho kỹ thuật TTNT cho gia súc như đã nêu trên. Một số đề tài nghiên cứu khoa học khác cũng đã nghiên cứu áp dụng phần lớn nội dung của đề tài được nghiên cứu theo dõi trong sản xuất như: bò lai Sind và hướng thịt, sữa; lai tạo giống lợn trắng ĐBI -81 và nhóm giống lợn BSI-81; gà Rhode Ri; trồng giống cỏ nhập nội; chế biến thức ăn chăn nuôi v.v. tuỳ từng giai đoạn cũng được đưa vào nghiên cứu thử nghiệm trong sản xuất.

            Nghiên cứu ứng dụng hoặc thử nghiệm trong sản xuất, khi có kết quả dễ chuyển giao cho nông dân, hạn chế khoảng cách giữa phòng thí nghiệm với thực tiễn sản xuất. Quá trình nghiên cứu thử nghiệm cũng là quá trình đào tạo cán bộ kỹ thuật cho địa phương, hướng dẫn bà con nông dân để khi chuyển giao TBKT được thuận lợn và kết quả sẽ được duy trì và phát triển. Mặt khác, cũng để các nơi khác đến thăm quan học tập, tiếp thu từ thực tiễn sản xuất  được dễ dàng hơn, bởi “ hữu xạ tự nhiên hương”.

            Kỹ thuật TTNT lợn, lúc đầu chỉ nhen nhúm  ở một số tỉnh, mà mỗi tỉnh cũng chỉ có vài điểm trong sản xuất áp dụng. Sau những năm 60, suốt thời kỳ dài, phong trào TTNT lợn lan toả rất rộng, hầu hết các tỉnh miền Bắc, sau giải phóng đất nước cũng được phổ biến  ở một số tỉnh phía Nam. Thời gian huy hoàng ấy, đã có hàng nghìn cán bộ kỹ thuật TTNT lợn  ở các cơ sở chăn nuôi của Trung ương và địa phương; có hàng vạn kỹ thuạt dẫn tinh viên  ở các Trạm, Trại và hợp tác xã. Họ đều nắm vững kỹ thuạt và thao tác thành thạo tay nghề. Đây là biện pháp kỹ thuật “mũi nhọn” để phát triển nhanh đàn lợn lai kinh tế trong dân; đó cũng là cái nền để từng bước nâng cao công thức lai đáp ứng yêu cầu sản xuất “mũi nhọn” đó tiếp tục được phát huy tác dụng tích cực.

            Trải qua hơn 40 năm liên tục, nhiều thế hệ cán bộ KHKT  ở các đơn vị nghiên cứu khác nhau, nhiều công thức lai phong phú đa dạng, nên đã có được một công trình khoa học: “Nghiên cứu lợn lai có năng suất và chất lượng cao  ở Việt Nam “ được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (theo QĐ số 392 KT /CTN, ngày 1 tháng 9 năm 2000) của Chủ tịch nước.

          Thật vậy – Một thời khó quên

            - Thời kỳ  ở chiến khu Việt Bắc, tài liệu ít, trang vị nghèo nàn, sản xuất  manh mún (nghề phụ), cán bộ trình độ còn hạn chế. Đời sống trong rừng núi về ăn  ở đi lại vô cùng khó khăn, nhưng lớp cán bộ kỹ thuật Viện Chăn Nuôi cũng đã phục vụ được nhu cầu sản xuất trong thời kỳ đó
            - Thời kỳ hoà bình lập lại  ở miền Bắc, công tác nghiên cứu kỹ thuật TTNT gia súc được áp dụng đầu tiên  ở Việt Nam (1958), trong hoàn cảnh trình độ dân trí còn thấp, hệ tư tưởng phong kiến còn ngự trị, tập quán chăn nuôi nghèo nàn lạc hậu, nhu cầu thực phẩm chưa cao, cán bộ KHKT tư duy còn phiến diện, trang thiết bị còn thô sơ v.v. đời sống thời kỳ bao cấp cũng còn nhiều chật vật, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ khắp trên đất Bắc. Nhưng, khó quên một thời kỳ dài sôi động trong ngành và đã đem lại hiệu quả như ngày nay.

          Những điều đáng nhớ

            Từ thực tiễn trong quá trình công tác, tôi tâm niệm và luôn ghi nhớ:

            - Trong nghiên cứu KHKT chăn nuôi, thực chất có nhiều đề tài mang tính chất khoa học ứng dụng, nên tôi thường tâm niệm những đề tài đó đều có thể nghiên cứu ứng dụng ngay trong sản xuất
            - Tích luỹ và học hỏi trong sách vở, tài liệu; trong thực tiễn sản xuất trong kinh nghiệm thu thập được. Thước đo công trình nghiên cứu khoa học nhất là khoa học chăn nuôi là hiệu quả trong sản xuất, luôn tồn tại và không ngừng phát triển.
            - Yếu tố quyết định trong công trình nghiên cứu khoa học là” say sưa, yêu nghề, yêu ngành”, “đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống nông dân, phục vụ sản xuất”, có hiệu quả. Đó là phần thưởng cao quý nhất của người làm công tác nghiên cứu khoa học chăn nuôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét