Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 4)

.

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

PGS.TS. Lê Thanh Hải
Nguyên Tổ trưởng Tổ nghiên cứu  Di truyền –Giống  Viện chăn nuôi,
Nguyên Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam

Năm 1967 tốt nghiệp Đại học tổng hợp Leningơrat, tôi hăm hở về nước để làm được cái gì đó. Mơ ước là như vậy nhưng các học sinh từ nước ngoài về thường hay hững hụt so với ước mơ. Song với tấm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và vì những người nông dân còn nhiều khó khăn, tôi mong muốn được cống hiến  sức lực để nghiên cứu tạo ra những con giống có năng suất cao cho sản xuất. Về đến Bộ đại học nay là Bộ Giáo dục và đào tạo để nhận quyết định công tác, được đề nghị về trường Đại học Nông nghiệp I giảng dạy, song tôi mong được về Viện nghiên cứu nông nghiệp để thử sức mình trong thực tế và nguyện vọng ấy đã được chấp nhận. Về ban chăn nuôi thuộc Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, là tiền thân của Viện chăn nuôi, ngày về cơ quan công tác đạp xe vừa đi vừa hỏi đường, qua Ba La Bông Đỏ, đến Bình Đà, rồi ngã tư Vác nơi sơ tán của của Viện. Diễm phúc cho tôi thời đó có chiếc xe đạp Sport làm phương tiện đi lại. Được chỉ đường về trụ sở Viện, tôi phải xắn quần cao đến gối, treo dép lên ghi đông, một vai mang túi, vai kia vác xe, vừa chọn lối vừa bước đi vì đường lầy trơn, mười ngón chân luôn luôn bám chặt mặt đường để khỏi bị ngã, vừa đi vừa nghĩ ''đúng là ngã tư Vác''. Đến Viện gặp bác Thích - Viện phó, với giọng nói nhẹ nhàng, con người đôn hậu sau khi xem quyết định, bác rót trà mời tôi, nhìn chén trà loãng bác nói thêm: "Viện còn nhiều khó khăn lắm, một số cán bộ về đây đã được đưa đến các điểm công tác. Riêng anh, theo tôi nên về tổ nghiên cứu gà của anh Bình, hiện còn khó khăn". Tôi cảm ơn sau khi hỏi thêm một vài chi tiết định đứng dậy chào nhưng Bác kéo tay tôi lại và nói: "Hãy khoan vội! và Bác hỏi tiếp: anh có thể giúp Viện xây dựng một cơ sở nghiên cứu gà ở Đan Phượng không"?. Lưỡng lự một lúc, nhưng rồi tôi cũng gật đầu, dù nghĩ rằng khi về Viện công tác sẽ có điều kiện làm chuyên môn tốt, nào ngờ lại đi xây dựng cơ sở để có điều kiện nghiên cứu. Đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được, bao nhiêu câu hỏi tuôn ra trong đầu, bắt tôi phải giải đáp. Xa xa nghe tiếng bom vang rền, chạy ra sân nhìn thấy những vệt lửa cao xạ va tên lửa đan chéo trên bầu trời, đó là câu giải đáp cuối cùng của tôi. Không thể có điều kiện làm việc như ở nước ngoài, phải lao vào thực tế để xây dựng ước mơ cho mình. Ngày hôm sau, tôi được nhận hai ngàn đồng ở tài vụ Viện làm vốn ban đầu đi xây dựng cơ sở vật chất sơ tán cho tổ nghiên cứu gà tại xã Hồng Thái, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nơi sơ tán ở ven đê sông Đáy giáp đê sông Hồng. Hai ngàn đồng thời bấy giờ có giá trị rất lớn, bởi một cây tre mua trong dân chỉ vài ba chục đồng mà thôi. Nhờ quan sát được trong quá trình học tập nên tôi không gặp khó khăn nhiều. Rồi chuồng trại, ngăn ô, ổ sập, sân chơi gà đẻ, nhà cửa cho cán bộ dần dần được hình thành bên cạnh chiếc lán tạm của chúng tôi. Những ngày đầu như thế cứ trôi qua, vừa làm cung ứng, vừa chỉ đạo thi công, vừa quản lý, bảo vệ tài sản giữa bãi dâu tằm không điện, không nước. Về sau bổ sung thêm anh Xuân, chị Sửu, cứ thế ba chúng tôi lặn lội với công việc để có chuồng trại cho nghiên cứu, nhà ở cho cán bộ và công nhân, một phần cho anh chị em của ban chăn  nuôi.
            Bao nhiêu vất vả rồi cũng qua đi sau những giờ làm việc tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh chị Hoài Tao, chị Cát, những người cán bộ khoa học nữ gầy gò, ốm yếu  ì ạch kéo từng xô nước để tắm rửa cho con cái và giặt giũ quần áo sau một ngày lao động mệt nhọc. Với tôi chỉ cần vài sải tay là thùng nước đã lên đến miệng giếng, nên thường kéo nước giúp các chị, vì thế bị mang tiếng là "Nịnh đầm" của các đấng mày râu.
            Đoạn đường qua dù gian khổ, vừa xây dựng vừa chăn nuôi, vừa chạy lũ, vừa nghiên cứu trong sự đùm bọc thương yêu nhau để đến năm 1969 trở thành bộ môn nghiên cứu gia cầm và tôi được về phụ trách tổ nghiên cứu di truyền chọn giống vật nuôi của Viện Chăn nuôi. 
Về nông trường chăn nuôi lợn Thuỵ Phương, nói là nông trường nhưng thực chất chỉ có vài chuồng lợn, mấy chục lợn nái sinh sản, một nhà kho, nhà làm văn phòng cấp 4 nhỏ bé, vài mảnh rau lấp cằn cỗi - ngày nay trở thành trụ sở khang trang của Viện chăn nuôi. Những ngày đầu ấy tổng số cán bộ công nhân không quá 50 người có mặt tại Thuỵ Phương, song họ vẫn hăm hở trong mọi nhiệm vụ, vì cơ sở mới của Viện, nhờ đó bộ mặt của Viện cũng dần dần thay da đổi thịt. 
Chiến tranh vẫn ác liệt, cuộc sống thiếu thốn, đầy dẫy những khó khăn, không biết ai còn, ai mất qua những đêm thức dậy, song những con người tâm huyết với khoa học ấy đã từng lặn ngụp trong phù sa sông Hồng vớt vầu, vớt nứa, rồi làm đường, bốc gạch, tu sửa phòng thí nghiệm, củng cố cơ sở chăn nuôi. Không phân biệt thủ trưởng, nhân viên, nam, nữ, vẫn ca hát, cười đùa, nhường nhau điếu thuốc lào, ngụm nước, chia nhau từng củ khoai, quả chuối, những vần thơ hay, những chuyện cười liên tục tuôn trào trong những lúc rảnh rỗi, bởi họ chỉ có một tấm lòng vì Viện thân yêu.
Lúc ấy mọi người chung sống trong những mái nhà tranh, vách nứa nhưng tâm trí và công việc đều dồn cho nghiên cứu để tạo ra những kỹ thuật tiến bộ cho sản xuất. Dù điều kiện làm việc còn thiếu thốn, không nước máy, không ti vi, không điều hoà nhiệt độ, không máy vi tính nhưng từ thực tế sản xuất họ đã tích luỹ, đúc kết được những kết quả nghiên cứu đầy sáng tạo. Nhớ lại những lúc hội họp về khoa học, những cánh Én  lại tụ về để cùng nhau tranh luận bổ sung sự chuẩn xát cho các công trình nghiên cứu như: ăn sống, ăn chín, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, phương pháp, vẫn là rau lấp, bèo dâu, rau muống, rau lang, cám gạo, cám mỳ, bột cá, bả mắm, rồi Đại bạch , Berkshire , Lang Hồng, Móng cái, lợn , lợn ngoại… cũng động hớn, động dục, thụ tinh, phân ly, di truyền, vẫn Rốt ri, gà ta, gà mía, lơgo, Rốt đỏ, cũng vịt bầu, vịt cỏ, bò sind, trâu nước, tất cả những vấn đề trên được mổ xẻ để làm sáng tỏ. Người nước ngoài không thể hiểu nổi vì sao trong bối cảnh như vậy mà các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vẫn đưa được nhiều công trình nghiên cứu vào sản xuất, thúc đẩy sản xuất phát triển. Điều đó chỉ có được khi có một tập thể năng động, sáng tạo, đoàn kết và đầy tâm huyết với ngành nghề. Các anh: Hữu Doanh, Tấn Anh, Lưu Kỷ, Ngọc Tý,     Bác Trân, Doãn Hối, Văn Thiện, Khánh Quốc, Anh Cương, Anh Vực, Bác Chính, Bác Toàn, Anh Điệp, Anh Duy, Anh Ngọc, Anh Thạc, Anh Trượng, Cô Thuỷ, Cô Tuất, Anh Mẫn, Anh Kính, Chị Hương, Anh Tỵ, Anh Nội, Anh Huỳnh, Anh Nghi, Anh Điềm, Anh Xuân, Anh Lệ, Chị Hải, Anh E, Chị Huệ, Anh Nam, Anh Tươi, Anh Tặng, Danh Kỷ, Anh Bình, Chị Quỳnh, Chị Tỵ, Chị Ngọc, Anh Ninh, v.v... cùng các anh trong Ban Giám đốc Viện: Anh Thông, Anh Thưởng, đã gắn quyện lại tạo thành sức mạnh khoa học, dệt thêu nên những kết quả nghiên cứu trong lao động gian khổ để Viện ngày một lớn lên trong tự hào. 
Nghĩ cũng vui, thời bao cấp hiểu về giống của những nhà khoa học và chỉ đạo sản xuất là giống của trại Trung ương, giống trại tỉnh, giống trại huyện, nào gộc, mở, Lang hồng, Móng cái, Mường khương, không phải như chúng ta được  rõ theo cấp độ hiện nay: "ông cụ, bà cụ", "ông bà", "cha mẹ" và "con thương phẩm''. Phải từng bước đi lên, phải từ thấp đến cao, tích lũy và phát triển, phải có cái trước để cái sau đi vào cuộc sống. Từ lý thuyết đến thực tế là một chặng đường thử thách trong quá trình tìm ra chân lý. Có những vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng vẫn phải đổ mồ hôi công sức ngày đêm dày công tìm ra đáp số nhằm đáp ứng được yêu cầu của người nông dân và các trại chăn nuôi thời bấy giờ. Phải từng bước đi lên, phải từ thấp đến cao, tích lũy và phát triển, phải có cái trước để cái sau đi vào cuộc sống.
Với tôi những ngày đầu xây dựng và những năm tháng công tác ở Viện có rất nhiều kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Suốt mười một năm làm việc cùng anh chị em trong nghiên cứu khoa học chăn nuôi, là những chuỗi ngày vui nhiều buồn ít. Cho mãi đến bây giờ với tôi dù là công nhân, bảo vệ, cung ứng  chị nuôi, cán bộ phục vụ và khoa học kỹ thuật, các anh trong ban Giám đốc Viện vẫn luôn luôn kết nối và quện chặt trong trái tim dù ở bất cứ nơi nào. Bây giờ có người mất, người còn, người mới, người cũ nhưng những hình ảnh này luôn cùng tôi trong cuộc sống đời thường. 
Viện chăn nuôi, nơi tôi trưởng thành và lớn lên về KH chăn nuôi trong sự đùm bọc chân tình của đồng nghiệp và bè bạn thân thương sẽ là mãi mãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét