Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm xây dựng và phát triển Viện Chăn nuôi: Những nhân vật tiền bối (phần 3)

.

MỘT THỜI DỄ NHỚ - MỘT THỜI KHÓ QUÊN

PGS.TS. Nguyễn Thiện

Nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi

            Những năm gần đây, các sinh viên tốt nghiệp  ở nhiều trường đại học khác nhau phải chạy ngược, chạy xuôi, có người dong duổi với thời gian 5 năm hoặc lâu hơn mới tìm được việc làm, còn có người phải mất thời gian dài hơn thế nữa, nhưng rồi cũng đành phải ‘lỡ bước sang ngang”. Song với tôi cách đây gần 40 năm đã gặp nhiều may mắn. Tốt nghiệp ra trường được điều về Viện Khoa học Nông nghiệp và rồi được giao ngay nhiệm vụ nghiên cứu về con lợn vơí cương vị là Trưởng Bộ môn kỹ thuật của Ban chăn nuôi Thú y lúc bấy giờ.

 

            Với chiếc ba lô trên vai, tôi tới gặp Bác Tô Luận – người giữ chức Trưởng Ban - Bác luôn luôn điềm đạm trong nói năng, đĩnh đạc trong ăn mặc và đường hoàng trong phong cách làm việc. Bác hỏi tôi: anh còn nhớ tiếng Pháp không? Tôi đáp: dạ,, thưa Bác, chỉ còn nhớ rất ít, như số đếm chẳng hạn: 1, 2, 3, 4, 5 . . .  và đôi câu, đôi từ v.v. bon (tốt) debons ami (người bạn tốt), bonjour (chào ban ngày), bonsoir (chào buổi tối), bonjour monsieur (kính chào ông) và bonté (có tấm lòng tốt) v.v. Chậm rãi, Bác nói: không sao, có vốn rồi, học lại sẽ nhớ, văn ôn võ luyện mà, chỉ cần phải học.

            Tạm biệt Bác tôi được điều sang Trại Quang Trung (Gia Lâm) và bắt tay ngay vào việc nuôi lợn với anh Phạm Đức Kính. Lúc ấy là năm 1963

            Trại nuôi thuần lợn – giống lợn mỡ, mõm nhẵn, nhìn cái đầu nó giống như đúc trong ảnh bìa một tác phẩm “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố. Còn lợn Mường Khương bụng lép, tai cụp, toàn thân màu đen.

            Mới vào nghề, tôi muốn vận dụng câu ngạn ngữ “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Từ ý nghĩa ấy, tôi đã đề nghị Bác cho tôi lên Trại lợn Mường Khương – Bát Sát để biết rõ nguồn gốc và tổ tiên của nó. Ngược tàu hoả đi Lào Cai. Tàu chạy chậm như rùa và rồi cũng tới Lào Cai. Lại chiếc ba lô trên vai, cuốc bộ cả ngày đường rừng núi âm u, lau lắt che phủ cả lối đi, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng chim hót “Bắt cô trói cột”, mãi gần tối hoàng hôn đã ngả, mặt trời đã lặn tôi mới tới Bát Sát và vào Trại lợn Mường Khương.

            Sau cả tuần làm việc, tôi trở về Hà Nội để báo cáo. Rồi lại ngược đi Nông trường Sông Bôi, Sơn La (Tây Bắc) để tìm hiểu thêm về cái nghề nuôi lợn.  đây, Nông trường nào cũng nuôi hàng vạn con lợn đủ loại; Móng Cái, , lợn loang. Tất cả đều lưng võng, bụng xệ. Ngay thời ấy, trong tôi đã thoáng nghĩ phải lai giữa các giống với nhau để có lợn nuôi thịt có năng suất và chất lượng.

Với phương châm “ba cùng”, tôi lại tiếp tục thăm trại lợn Lang Hồng, Lạc Vệ, Trạm thụ tinh nhân tạo Thuận Thành (Hà Bắc); Trại lợn Nam Phong (Nam Định), Trại lợn hợp tác xã Quảng Hải (Thanh Hoá), Trại lợn hợp tác xã Hiệp Thịnh (Vĩnh Phúc), Trại lợn Tân Lập (Đan Phượng – Hà Tây), Trại lợn Tràng Duệ, Trạm thụ tinh nhân tạo Cầu Nguyệt (Hải Phòng), Xí nghiệp lợn Kiều Thị (Thường Tín – Hà Tây), Trại lợn Cầu Diễn Hà Nội v.v. Cứ thế hết Trại lợn này đến Nông trường lợn khác của hầu hết các tỉnh phía Bắc lúc bấy giờ để học thập, tìm hiểu về con lợn Việt Nam. Nơi dừng chân cuối cùng của tôi là hợp tác xã chăn nuôi lợn Đông Mỹ (Thanh Trì - Hà Nội), chính từ đây, tôi đã lớn lên và trưởng thành với cái nghề nuôi lợn.

Năm tháng trôi qua, sống trong thời bao cấp, tình đồng nghiệp, nghĩa bạn bè, mỗi lần “hạ phóng” quay về gặp nhau trong căn phòng nhà tranh, vách xi măng, có tre nhưng vẫn ấm áp tình người, tình đồng chí. Tôi nhớ Chi bộ Đảng lúc bấy giờ số Đảng viên rất ít, đồng chí Phạm Văn Thích, Bí thư Đảng uỷ cùng sinh hoạt với Chi bộ, nhưng tầm suy nghĩ đã vượt khỏi những gì đã có lúc bấy giờ. Họp Chi bộ, anh Trần Doãn Hối luôn đề xuất đề tài nghiên cứu “Sind hoá đàn bò”, còn chúng tôi cần phải “lai kinh tế lợn”, “tắt bếp”, “tìm kiếm cây làm thức ăn cho gia súc, gia cầm mang đặc tính Việt Nam” v.v. Tất cả những suy nghĩ, việc làm lúc ấy đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Và nhớ anh Trần Công Xuân, thư ký Ban thời đó, số đào hoa, vang bóng một thời, việc công tư đều chọn vẹn. Khi  ở Dục Tú  (Đông Anh), anh say nghề, yêu văn nghệ. Chính vì thế, không ít những cô gái muốn gửi gắm cho anh những tình cảm chân quê.

Trong sinh hoạt Công đoàn cũng có nhiều kỷ niệm khó quên. Lúc ấy, với cương vị Chủ tịch Công đoàn “thời kỳ tem phiếu”, tôi đã gợi ý tổ chức “hội trợ” để có thêm chất tươi cho đoàn viên. Mọi người hưởng ứng. Thế là từ gốc mít (Ba vì), từ Tây Mỗ, Đại Mỗ (Từ Liêm), từ điểm  ở Tuyên Quang, Ngọc Thanh (Vĩnh Phúc), từ Kiều Thị (Hà Tây), từ Nam Phong (Nam Định), bốn phương từ Thanh Nghệ trở ra, ai ai khi về “hội trợ” cũng mang theo đủ loại: dứa Đồng Giao, đu đủ Ngọc Thanh, măng nứa Tuyên Quang, bí đỏ Ba Vì, rau các loại, trứng gà, thịt lợn từ các điểm đưa về tham gia “hội trợ”  ở điểm sơ tán Hồng Thái (Đan Phượng – Hà Tây). “Hội trợ” tuy không có những gian hàng bày bán đàng hoàng, nhưng ai cũng tưng bừng, phấn khởi, nhộn nhịp như một “Hội trợ chính quy” vậy. Bế mạc, “hội trợ” mọi người lại về “căn cứ điểm” của mình để làm việc, học tập miệt mài. Ban ngày thì không, nhưng ban đêm, bên những chiếc đèn dầu le lói, họ nghiên cứu tài liệu thật say sưa. Trên đường về điểm, nhiều khi gặp máy bay Mỹ thả bom, nhưng tất cả vẫn vui vẻ làm việc, ai ai cũng vững tin vào ngày mai của sự nghiệp nghiên cứu chăn nuôi, cho dù cơ sở Hồng Thái của Viện lúc bấy giờ chỉ mới nuôi một số gà Ri và một đôi vịt Nhật do Nhà khoa học Lương Đình Của đưa về từ Nhật Bản bơi lội trên mặt nước ao phẳng lặng, thỉnh thoảng gợn lăn tăn như mặt nước hồ thu. Còn nhiều kỷ niệm đáng viết, nhưng “viết sao hết được”

Giờ đây kẻ còn người mất, kẻ Bắc người Nam, người đã về hưu, người còn đương chức, mức sống có khác nhau, người đang sống trong những ngôi nhà chung cư hay trong các biệt thự sang trọng, song chắc ít ai đã quên những thời sóng gió, những thủa hàn vi khi mới thành lập Viện từ chiến khu Việt Bắc. Thế hệ nối tiếp thế hệ. Không ai sống về quá khứ, nhưng không ai không thể không nghĩ về quá khứ để góp sức đưa Viện Chăn Nuôi phát triển đi lên theo đà của đất nước

Ai cũng có một thời – Một thời để nhớ – Một thời để quên. Có một nhà thơ đã viết:

 “ Khi anh ở đất là nơi anh
Khi anh đi đất bỗng hoá tâm hồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét