Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm xây dựng và phát triển Viện Chăn nuôi: Những nhân vật tiền bối (phần 8)

.

NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

PGS.TS. Bùi Quang Tiến

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi


            Tốt nghiệp Phó tiến sỹ (nay là Tiến sĩ chăn nuôi)  ở Bungari về nước đầu năm 1974, tôi được nhận công tác tại Viện Chăn Nuôi – Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Tôi rất phấn khởi hồ hởi, vì được phân công đúng nguyện vọng. Mặc dù là người quê gốc  ở quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, nhưng tôi chưa một lần đến Chèm. Ngày đến cơ quan nhận công tác tôi vừa đi vừa hỏi thăm. Đến Cổ Nhuế tôi hỏi thăm, người ta chỉ tôi cứ đi qua Cầu Noi đến khu tường xây nổi bật giữa cánh đồng Cổ Nhuế là đến. Nhưng đến nơi lại là Trại gà Cầu Diễn. Tôi căng mắt nhìn không thấy nhà cửa đâu cả mà chỉ thấy tre xanh và rặng chuối. Tôi xắn quần vác xe đạp tắt qua cánh đồng, mồ hôi ra ướt hết áo, mặc dầu lúc bấy giờ trời vào mùa Xuân còn phải mặc áo ấm. Đến Viện Chăn Nuôi tôi thấy khu làm việc và nhà cửa cán bộ công nhân viên không có một gian nhà gạch nào cả, mà toàn là nhà tranh tre nứa lá, vì mới chuyển nơi sơ tán về. Khi nộp xong giấy tờ và được hẹn ngày đến nhận việc, tôi hỏi thăm đường về nhà. Các đồng chí chỉ cho tôi đi theo đường chính qua cống Chèm. Mặc dầu là đường chính, nhưng còn đường còn đang lồi lõm xình lầy lắm, cũng vẫn phải xắn quần, vác xe đi bộ từ cơ quan Viện ra đến cống Chèm. Khi về đến nhà thấy tôi xắn quần, chân đầy bùn đất trong khi trời tạnh ráo, giữa thủ đô, vợ tôi cười ngặt nghẽo rằng đi đến cơ quan nhận công tác như đi cầy ruộng. Đấy là ngày nhận công tác đầu tiên của tôi thật khó quên. Bây giờ mỗi khi được chạy xe máy hoặc ngồi trên ô tô vào Viện trên con đường nhựa bon bon đến tận chỗ làm việc, nhìn khu làm việc, thí nghiệm cao tầng nguy nga đồ sộ, đầy ắp các phương tiện nghiên cứu  hiện đại tôi lại nhớ lại từng chỗ lầy thụt trước kia, mà thấy trong lòng lâng lâng cảm động.

            Tôi được phân công nhận đề tài tiếp tục “Tạo giống gà Rốt Ri” từ anh Tạ An Bình bàn giao để anh Bình đi nước ngoài. Anh Bình tạo giống theo công thức 3/4   máu Rốt nhân 3/4 máu Ri để tạo ra con gà 1/2 máu Rốt và Ri. Công thức này lúc này đang được Viện Chăn Nuôi áp dụng tạo giống lợn Đại Bạch , giống lợn Béc sia I. Sau khi nghiên cứu điều kiện chuồng trại và cơ sở  vật chất khác tôi trình bày với Hội đồng Khoa học Viện cho phép tạo giống gà Rốt Ri theo công thức 1/2 máu Rốt Ri tự giao. Vấn đề này đã gây tranh cãi một thời gian dài. Nhưng được sự lãnh đạo của lãnh đạo Viện lúc bấy giờ là anh Trần Thế Thông, Viện trưởng và đồng đội là anh kỹ sư Nguyễn Chí Bảo tích cực ủng hộ. Đề tài được tiến hành. Sau 4 đời tự giao gà Rốt Ri đạt được mục tiêu tạo giống: có sản lượng trứng 162 quả  ở đàn theo dõi cá thể và 150, 7 quả đàn quần th, thì đàn gà xảy ra sự cố về sức khoẻ. Nhìn đàn gà gầy còm, chết ngày vài chục đến hàng trăm con, tôi, chị Hoài Tao và anh em trong bộ môn buồn, nhiều người đã khóc. Lúc bấy giờ nhiều người cho rằng gà bị gầy còm ỉa chảy là do tự giao đồng huyết nên sức khoẻ giảm sút, chết gần hết.  trại thí nghiệm Thuỵ Phương của Viện. Nhưng tôi không tin đó là  nguyên nhân vì cũng là đàn gà ấy được nuôi  ở hợp tác xã Liên Hà (Đan Phượng) và Hiệp Thuận (Quốc Oai) Hà Tây thì lại phát triển bình thường. Sau đó Viện cử anh Trần Công Xuân một kỹ sư chuyên về thức ăn lúc bấy giờ ra làm đội trưởng thì đàn gà được tìm ra nguyên nhân gây chết là do ăn phải bột cá mặn kém chất lượng. Đàn gà dần dần được phục hồi. Vì vậy năm 1985 nhóm giống gà Rốt Ri được hội đồng khoa học Bộ công nhận và nó được tồn tại cho đến ngày nay.

            Trong quá trình nghiên cứu tạo giống và Rốt Ri, đại đa số thời gian đàn gà Rốt thuần, gà Ri thuần và gà lai đều được nuôi  ở 3 dãy chuồng tranh, tre, nứa, lá dựng tạm. Mái bị dột, nền chuồng lồi lõm. Gà con, trứng gà thường bị chuột ăn. Năm 1978 cơn bão số 5 đổ bộ vào khu vực Hà Nội, Viện huy động thanh niên, cán bộ ngủ tại Viện chống bão. Nửa đêm bão ập đến làm đổ nhà ấp, mái nhà chụp lên nóc máy ấp. Mặc cho ngoài trời mưa xối xả, gió gào thét, anh Thành - công nhân ấp vẫn luồn lách, nằm tại chỗ cho chạy máy ấp vì sợ hỏng mất lứa gà thí nghiệm. Tôi và các đồng chí cán bộ trong Bộ môn người ướt đẫm, rét run cầm cập, chân lội bì bõm trong nền chuồng gà nhầy nhụa, nồng nặc, hôi thối, mò mẫm trong đêm tối, quờ quặng bắt từng con gà đưa vào các phòng  ở của các hộ công nhân viên, nhà kho và bất cứ nơi nào còn chỗ ráo để nhốt gà thí nghiệm. Suốt cả đêm vận chuyển hàng trăm con gà lớn, gà giò, hàng nghìn gà con vào nơi an toàn. Vì vậy tôi rút ra được kinh nghiệm quý báu là mọi thành công của mình đều có công sức của tập thể, của đồng chí, đồng nghiệp tận tình giúp đỡ.

            Một kỷ niệm không bao giờ quên đó là khoảng năm 1994-1995 Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên khủng hoảng về kinh phí, không có tiền chi cho các thí nghiệm, trả lương cho công nhân viên, Trung tâm nợ nần không có tiền trả. Đàn vịt giống năng suất không bằng 70% so với thời gian mới đưa về. Giá thành vịt giống gà trứng vịt quá cao không có nơi tiêu thụ. Trung tâm có nguy cơ giải thể vì nhà nước không có thể bao cấp hơn thế nữa. Đời sống cán bộ công nhân viên nghèo xơ xác. Đồng chí giám đốc Trung tâm Phạm Văn Trượng nhiều lần báo cáo với Ban Giám đốc Viện và đề nghị các phương án khắc phục nhưng chưa có lối thoát. Sau khi nghiên cứu Ban giám đốc Viện Chăn Nuôi quyết tâm chỉ đạo Ban giám đốc Trung tâm thực hiện phương án khoán đến sản phẩm  cuối cùng. Trong 3 tháng đầu  ở Trung tâm nghiên cứu vịt Đại xuyên không khí căng như giây đàn. Người xin chuyển đi nơi khác, xin nghỉ việc, người nằm nhà hoang mang chán nản nhưng không có ai nhận khoán. Đột nhiên đồng chí Hồng Kế toán trưởng của Trung tâm đứng lên nhận khoán sau đó 4 kỹ sư tiếp tục nhận khoán. Sáu tháng sau đã có kết quả tốt đàn vịt đẻ nhiều, giá thành vịt giống hạ.v.v cán bộ công nhân viên phấn khởi xin thuê chuồng trại để trống của Trung tâm để nuôi thêm vịt, gà, tăng thêm thu nhập. Máy ấp của Trung tâm trước kia không bao giờ đủ trứng để ấp, nay đã được sử dụng tối đa lúc nào cũng đầy ắp trứng ấp. Các nhà ấp trứng riêng của cán bộ công nhân viên mới dựng nên  ở ngoài Trung tâm như một đường phố nhỏ. Người ra vào mua bán gà con, vịt con tấp nập. Đời sống cán bộ công nhân viên cải thiện rõ rệt. Sau năm năm đã có nhiều người xây nhà tầng mua sắm ô tô, xe máy v.v. Trung tâm không còn nợ nần, đàn vịt giống được phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều công trình nghiên cứu của Trung tâm thu được kết quả tốt.

            Một bài học rút ra  ở đây là người quản lý nếu biết vận dụng các chính sách của Nhà nước, khai thác tiềm năng sẵn có của đội ngũ cán bộ công nhân viên thì sẽ khắc phục được khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

            Những sự  kiện trên nó sống trong tôi như mới xẩy ra ngày hôm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét