Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 5)

.

THEO DÒNG THỜI GIAN

BS. Trần Minh Châu

Nguyên Trưởng Bộ môn Siêu Vi trùng – Viện Thú y

Nguyên cán bộ thú y – Viện Chăn nuôi từ 1952


            Viện Chăn Nuôi được thành lập năm 1952 vào thời kỳ kháng chiến.   Viện đặt địa điểm tại thôn Thượng Túc (tên cũ) xã An Tường, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã 3-4km. Các phòng thí nghiệm, nơi hội họp và làm việc là các nhà tranh vách nứa sơ sài nằm rải rác dưới tán cây rồi  ở rìa rừng. Có đêm hổ đã lẻn vào và bắt chó.

            Trang thiết bị quá thiếu, chỉ có một nồi hấp cao áp, một tủ ấm dầu, vài kính hiển vi cũ, một ít dụng cụ đo lường ngoại, thuốc nhuộm và hoá chất. Còn các bình, ống nghiệm đều do các xưởng thủ công thổi
            Viện có hai bộ phận, bộ phận  ở tỉnh lại có tổ sản xuất vacxin khô và huyết thanh dịch tả trâu bò và tổ chế tạo môi trường nuôi cấy vi trùng để chẩn đoán bệnh và sản xuất vác xin tụ huyết trùng khi có dịch. Bộ phận chỉ đạo kỹ thuật  ở tại địa phương hàng tháng phòng chống bệnh nghé ỉa cứt trắng tại xã Hội Phú và Phúc Thịnh huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang do ông Điển Văn Hưng phụ trách. Đoàn đã gửi mẫu phân nghé để tôi kiểm tra tìm ký sinh trùng. Tôi đã phát hiện có trứng giun đũa. Viện còn có một trại nuôi bò  ở Đoan Hùng Phú Thọ.
            Duy trì hoạt động công tác đã khó khăn, mà duy trì cuộc sống cũng chẳng kém. Lương được trả cho mỗi người là 20kg gạo và 5đ sinh hoạt phí một tháng. Mỗi năm mỗi người được lĩnh 12 m vải.
            Năm 1954, khi hoà bình lập lại, Viện được sát nhập vào Viện Khảo Cứu Nông Lâm. Địa điểm tại ngã tư Vọng  ở Viện Thú Y ngày nay. Viện trưởng là ông Bùi Huy Đáp, Viện phó là ông Phan Đĩnh Đỗ, Viện có nhiều phòng: Chăn nuôi, Thú y, Trồng trọt, Lâm nghiệp v.v. Phòng Thú y do ông Đặng Trần Dũng phụ trách gồm có ba ban: Dịch tễ, Bệnh thông thường, Môi trường và chẩn đoán. Tôi đảm nhiệm công tác dịch tễ.
            Tháng 10/1957 Viện Khảo cứu chăn nuôi được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Phan Đình Đỗ. Ngoài số cán bộ công nhân viên được tách ra từ Viện cũ, Viện còn tiếp nhận thêm một ít học sinh Trung cáp mới tốt nghiệp. Viện đã mở một lớp tập huấn ngắn ngày cho những người chưa có nghiệp vụ. 
            Địa điểm vẫn  ở nơi cũ – nhiệm vụ và tổ chức không có sự thay đổi lớn ngoài việc có thêm một trại gà nhỏ.
            Công tác nghiên cứu được đẩy mạnh, nhờ có kỹ thuật nuôi cấy vi rút trên thai trứng và chủng vacxin Niu cát xơn  ở Việt Nam. Qua việc phân lập vi rút từ bệnh phẩm trên 20 tỉnh và làm phản ứng huyết thanh. Ban đã có kết luận bệnh toi gà là do vi rút Niu cát xơn. Sau đó Ban đã thí điểm tiêm phòng rộng rãi cho gà tại 5 xã huyện Hoài Đức bằng vác xin của Xí nghiệp thú y và đã có kết luận là vac xin an toàn và hiệu lực.
            Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Trung quốc Ban đã nghiên cứu chế tạo kháng sinh Tetramycin thô. Sản phẩm làm ra không phổ cập được vì công tác đòi hỏi nhiều trang thiết bị và giá thành còn cao.
            Về phần nghiên cứu chăn nuôi tôi không được biết rõ. Năm 1959 Viện sát nhập vào Học viện Nông lâm tại Trâu Quỳ Gia Lâm để thực hiện nhiệm vụ vừa nghiên cứu vừa giảng dạy.
            Năm 1962 Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp được tách ra. Trong Viện có Ban chăn nuôi thú y. Ông Tô Luận làm trưởng ban, Ông Trần Thế Thông làm phó ban phụ trách công tác chăn nuôi, Ông Đào Trọng Đạt phó ban phụ trách công tác thú y v.v. Địa điểm  ở tại Viện khảo cứu chăn nuôi cũ.
            Chương trình viện trợ kỹ thuật của Liên xô cho Học Viện cũng được chia sẻ cho Ban. Ban cũng đã nhận được các con giống động vật như lợn, ngựa, bò v.v. các trang thiết bị hiện đại như các loại kính hiển vi, các loại máy cắt, máy điện di, máy sắc ký v.v. và các chuyên gia.
            Do có nhiều giống vật ngoại cần được  nghiên cứu nuôi thích nghi và lai tạo với giống trong nước nên Ban đã thành lập các tổ nghiên cứu như tổ gia cầm, tổ lợn, tổ bò v.v. Mặt khác, sự phát triển ồ ạt các trại nghiên cứu trong nông trường và hợp tác xã đã làm nảy sinh nhiều bệnh nuôi. Do đó đã hình thành các tổ nghiên cứu các loại bệnh như tổ vi trùng truyền nhiễm, tổ ký sinh trùng v.v. nghiên cứu thuốc như tổ đông y v.v.
            Có rất nhiều công trình nghiên cứu về các bệnh như xuyển lợn, lợn con ỉa phân trắng, bệnh thối loét lợn, bệnh dinh dưỡng, bệnh ký sinh trùng  đường máu và ruột. Ngoài ra còn có sự phối hợp nghiên cứu với ngành y tế như điều tra cơ bản bệnh leptospira  ở gia súc và chế vac xin. Các đề tài này được tiến hành nhiều năm do các cán bộ có trình độ đại học trở lên đảm nhiệm. Nhiều đề tài đã được đem ứng dụng trong sản xuất. Các đề tài dã được tổng kết, đăng trên các tạp chí khoa học kỹ thuật nông nghiệp.
            Trên đây là vài dòng ghi lại sự hồi tưởng cá nhân về một quãng thời gian dài gần nửa thế kỷ, chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót hay sơ xuất, mong nhận được sự thông cảm của các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét