Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 3)

.
GÀ RHODE-RI - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

 KS. Nguyễn Hoài Tao

Nguyên cán bộ Bộ môn nghiên cứu gia cầm – Viện Chăn nuôi


            Cuối năm 1960, tôi tốt nghiệp Chăn nuôi Thú y khoá 1 (Đại học Nông lâm 1956-1960), được phân công về Bộ môn giống (thuộc Khoa chăn nuôi Thú y) có Trụ sở làm việc tại Trại thí nghiệm Quang Trung thuộc học viện Nông Lâm, nay là Trường Đại học Nông nghiệp I (Trâu Quỳ, Gia Lâm – Hà Nôi).
            Rất may mắn cho tôi lúc chập chững bước vào nghề đã được làm việc với các nhà khoa học chăn nuôi Thú y chân chính đủ tài đức như  thầy Trần Nhơn, bác Bùi Quang Toàn, anh Ngô Huỳnh Vũ.
            Ngày ấy Trại Quang Trung nuôi bò sữa, lợn và gia cầm. Nhiệm vụ của Trại là nghiên cứu về chăn nuôi và bố trí các đề tài cho sinh viên thực tập. Các đề tài nghiên cứu về gia cầm lúc bấy giờ có
            - Nuôi thích nghi một số giống nhập nội như Rhode Island, Leghorn, Sussex, Australorps, Cornish, Plymouth Rock, vịt Bắc Kinh.
            - Chọn lọc nhân giống các giống gà nội địa như Ri, Đông Tảo, Phù Lưu Tế, Mýa, Hồ, Văn Phú.
            - Nghiên cứu các công thức lai: Rhode x Ri; Leghorn x Ri; Australirps x Văn phú.
            Những đề tài này được tiếp tục từ Viện Khảo cứu Nông lâm (Bạch Mai) từ năm 1956. Năm 1960, trước quy mô trại và lực lượng cán bộ công nhân không đủ để có thể thực hiện tốt các công thức lai nêu trên nên thầy Trần Nhơn đề nghị chỉ giữ lại công thức Rhode x Ri vì dựa vào những tài liệu trong và ngoài nước thì gà Rhode có sức chịu đừng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao, khả năng cho trứng không giảm nhiều so với bản địa, thịt thơm ngon. Hơn nữa Rhode Island đỏ lại có màu lông nâu, chân da vàng, vỏ trứng màu hồng nhạt rất thích hợp với  thị hiếu nhân dân ta.
            Vào những thập kỷ 60-70 của thế kỷ XX, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xảy ra rất ác liệt, đàn gà phải sơ tán nhiều nơi. Từ trại Quang Trung di chuyển về Văn Điển (Thanh trì, Hà Nội), rời Lê Thanh (Mỹ Đức, Hà Tây), lại rời về Hồng Thái (Đan Phượng, Hà Tây), nhiều khi không có máy ấp, phải dùng gà tây cho ấp trứng gà thí nghiệm. Những ngày trứng sắp nở, chúng tôi phải cho trứng vào từng túi lưới riêng biệt rồi cho gà ấp tiếp để theo dõi cá thể. Cán bộ, công nhân thay nhau trực, suốt ngày đêm để chờ khi gà nở được con nào thì đưa ngay ra đeo nhẫn để tránh lẫn lộn và cũng để gà con không bị chết ngạt. Không có nhôm làm nhẫn, phải đến nhà máy Pin Văn Điển để xin vỏ pin phế phẩm về thay nhôm.
            Phương tiện nghiên cứu đã khó khăn mà ngay đến quan điểm về ứng dụng khoa học có nhiều bất đồng. Thầy Trần Nhơn và bác Bùi Quang Toàn đã có lần bị phê phán vì “dám” cho gà thí nghiệm ăn cá, thịt, sữa bột. Thật ra đấy là cái đầu cá khô vụn, thịt phấ phẩm của lò sát sinh nấu chín xay nhỏ, sữa bột phế phẩm (đã vón cuc) bên nhân y đã loại thải để cho gia súc, gia cầm tận dụng. Những việc mà khoa học ngày nay cho là “hiển nhiên” thì những người đi trước chúng ta đã phải đấu tranh để bảo vệ chân lý.
            Về công thức lai cũng có nhiều tranh luận. Trong thời kỳ 1967-1974, tại Viện Chăn Nuôi, anh Tạ An Bình (Trưởng Bộ môn Gia cầm đầu tiên của Viện Chăn Nuôi, đã qua đời) và bác Bùi Quang Toàn đã tiến hành các công thức:


Trống Rhode x Mái Ri
Tỷ lệ máy Rhode


F1


F2


F3
7/8


            Cùng một chế độ chăm sóc nuôi dưỡng F1 tỏ ra trội hơn các mặt về sản lượng trứng, tỷ lệ phôi và tỷ lệ nuôi sống đến 12 tháng tuôi so với F2, F3.
            Song với việc lai tạo  ở Viện, chúng tôi thăm dò nuôi thực nghiệm  ở các Hợp tác xã và một số gia đình xã viên, kết quả đều đạt tương tự. Vì vậy, anh Bùi Quang Tiến về tham gia chủ trì đề tài đã đề nghị cố định  ở F1. Theo lý luận chung về di truyền thì tự giao F1 có sự phânlý  ở htế hệ sau rõ rệt vì các đặc tính di truyền chưa ổn đọnh. Sự phân  lý thể hiện một số theo chiều hướng tốt và một số theo chiều hướng xấu. Lợi dụng sự phân ly đó kết hợp với công tác theo dõi chặt chẽ, tạo điều kiện ngoại cảnh ổn định và trên một số lượng quần thể đông, sẽ chọn được những con tốt theo ý muốn. Hội đồng Khoa học của Viện lại họp để thống nhất phương hướng. Được sự ủng hộ của lãnh đạo Viện lúc bấy giờ như GS. Trần Thế Thông, GS. Nguyễn Văn Thưởng và các nhà khoa học có trình độ như anh Nguyễn Chí Bảo (nguời hiện nổi tiếng về hoa Ly  ở Đà Lạt), nên đề tài lai tạo Rhode Ri được tiếp tục nghiên cứu cố định  ở F1.
            Vì phải sơ tán tránh bom đạn giặc Mỹ, rồi lại tản cư để xây dựng chuồng mới, nên đàn gà phiêu bạt nhiều nơi. Có lúc phải thuê chuồng lợn của Hợp tác xã để nhốt gà nên gà bị bệnh lỵ nặng, sau đó lại bị viêm phế quản truyền nhiễm. Có nhiều ý kiến đề nghị nên xoá bỏ đề tài.
Dạo ấy, cũng như Leghorn được đặc biệt hiệu là “gay go”, vịt Bắc kinhlà vịt “thất kinh”, thì Rhode Ri cũng được mang biệt danh là “gà vứt đi”. Ai đó “ác khẩu” đã làm tặng hai câu thơ”
 “Gà Rhode “ngủ” với gà Ri
Sinh ra một lũ ngu si đầy chuồng”
Nhưng Ban giám đốc và Hội đồng khoa học Viện nhận định: lai tạo Rhode x Ri là đi đúng đường lối nghiên cứu (tạo dòng gà vườn có năng suất cao thích nghi với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm  ở nước ta), có cơ sở lý luận vững vàng. Việc gà bị bệnh là do hoàn cảnh không thuận lợi, có thể khắc phục được nên vẫn cho phép tiếp tục đề tài.
Cuối cùng thì Rhode x Ri đã thành công. Sau 2 ngày làm việc căng thẳng, nghiêm túc (11-12/9/1985), Hội đồng Khoa học Bộ đã công nhận gà Rhode Ri là một nhóm giống và ngày 29/10/1985 ra Quyết định số 357/NN/KHKT cho phép nhân rộng rãi để phục vụ sản xuất.
Mặc dù số phần khá long đong, nhưng thời gian qua, Rhode Ri cũng đã phục vụ có hiệu quả cho sản xuát . Cụ thể
- Năm 1968: nuôi tại Hợp tác xã Bằng A (Thanh Trì, Hà Nội) do Nhà khoa học cao tuổi Bùi Quang Toàn chỉ đạo, mở đầu hình thức nuôi gà tập trung  ở Hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc nước ta.
- Năm 1973: nuôi tại Hợp tác xã nông nghiệp Liên Hà (Đan Phương, Hà Tây và Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận (Quốc Oai, Hà Tây).
- Năm 1975: nuôi tại Hợp tác xã nông nghiệp Cẩm Vũ (Hải Dương)
- Năm 1977: nuôi tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hội (Đan Phượng, Hà Tây)
- Năm 1978: nuôi tại Hợp tác xã nông nghiệp An Khánh, Sài Sơn, Đồng quan, Tuyết Nghĩa, Liên Trung và khu Kinh tế Đông Xuân.
Quy mô mỗi Hợp tác xã nuôi 300-500 mái cơ bản và đều có ngày công cao hơn trồng trọt. Hàng năm cung cấp cho sản xuất trên dưới 4 vạn gà giống.
Ngoài ra còn đưa vào nuôi chăn thả trong một số hộ gia đình xã viên (ở Phương Đìnhë, Tam Hưng, Tân Hội, Liên Hà, Nông trường Phú Hộ), bộ đội biên phòng Campuchia, bộ đội hậu cần Hà Nội.
Gà Rhode Ri còn tham gia các chương trình “chống suy dinh duỡng trẻ em” “Phát triển kinh tế gia đình phụ huynh học sinh nghèo”. Với chế độ tiêm phòng chu đáo, gà tỏ ra chịu đựng tốt, năng suất hơn hẳn gà địa phương.
Dạo ấy đã có nhiều báo chí ca tụng gà Rhode Ri như: báo Nhân dân, báo Phụ nữ, báo Nông nghiệp (số 17 ngày 5/9/1978), báo khoa học và Đời sống (số 12 ngày 16/6/1979). Đặc biệt có tờ báo Fur Dich (Đức) số 47 năm 1986 cũng có bài và ảnh về Rhode Ri.
Từ bấy đến nay, Rhode Ri đã ổn định di truyền về năng suất. Sản lượng trứng /mái /năm đạt 185-190 quả. Khối lượng trứng 50-51g. Tiêu tốn thức ăn cho 10 trứng là 1,7-1, 8kg. Khối lượng gà 8 tuần tuổi bình quân 550g. Trứng và thịt thơm ngon, có thể nuôi theo các phương thức: lồng tầng, nuôi nền, chăn thả trên mọi miền đất nước chúng ta.
Vào thập kỷ 90 (thế kỷ XX), một số đề tài nghiên cứu khoa học của Viện đã lấy Rhode Ri làm nền để lai tạo và đã thành công, được Hội đồng khoa học của Bộ công nhận là Tiến bộ kỹ thuật cụ thể:
- Leghorn x Rhode Ri: cho sản lượng trứng 230 quả (Quyết định số 358 NNQ -KHKT/QĐ ngày 14/8/1993);
-  Goldline x Thode Ri: được Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam lai tạo thành gà BT1, BT2, cho năng suất trứng 180-200 quả, được sản xuất miền Nam ưa chuộng
            - Tam Hoàng 882 x Rhode Ri: nâng khối lượng gà và cho sản lượng trứng 189-190 quả (Quyết định số 2743 NN KHCN /QĐ ngày 25/ 10/1997.
            - Tam Hoàng Jiangcun x Rhode Ri: cho năng suất trên 200 trứng (Quyết định số 3166 NN KHCN /QĐ ngày 17/8/1999.
            Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm thuỵ Phương, Viện Chăn Nuôi, cho lai Brown Nick x Rhode Ri cũng có triển vọng rất tốt: gà mái lai có tháng đạt tỷ lệ đẻ 82,69%.
            Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Chăn Nuôi (1952-2002), mạo muội thay mặt các đồng nghiệp đã tham gia đề tài lai tạo gà Rhode – những người còn và nhất là những người đã “vĩnh viễn đi xa” như Bác Tô Luận, thầy Trần Nhơn, anh Tạ An Bình, anh Nguyễn Văn Việt, chị Hồng Ngan, tôi chép lại một số kỷ niệm về Rhode Ri với mong muốn giản đơn là “Mai sau dầu có bao giờ” các đồng nghiệp trẻ tình cờ giở trang sách cũ thì cũng biết được những bước thăng trầm của Rhode Ri một chặng đường đã lùi về dĩ vãng . . .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét