Trở về

Lưu trữ Blog

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

50 năm Viện Chăn nuôi: Sự kiện và con người (phần 7)

.

TUỔI THANH NIÊN
LAO ĐỘNG KHOA HỌC Ở VIỆN CHĂN NUÔI

 

KS. Nguyễn Ngọc Nam

Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thỏ Ba vì

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương



            Sao mà quên được những năm tháng lao động nghiên cứu khoa học  ở Viện Chăn Nuôi của tuổi thanh niên chúng tôi thời ấy.

            Tôi về công tác tại Khoa Chăn nuôi thú y (Học viện Nông lâm) vào tháng cuối năm 1959, Ban chăn nuôi thú y (Viện Khoa học Nông nghiệp 1963-1968) và Viện Chăn Nuôi (1969 - nay). Những ai đã công tác tại đây hẳn không quên những thanh niên, đoàn viên thanh niên lao động (thời ấy rất tự hào về Đoàn. về mình, chẳng kém gì tự hào về Đảng lao động Việt Nam – về danh hiệu Đảng viên lúc đó), họ làm công tác phục vụ và nghiên cứu khoa học. Họ là lực lượng xung kích, nòng cốt của Viện.
            Đối với tôi những năm tháng ở Ban chăn nuôi thú y được tách ra từ Khoa chăn nuôi thú y (Học Viện Nông lâm) vẫn không phai mờ về những thanh niên – những con người sống chân tình, chan hoà tình thân ái, gắn bó đùm bọc nhau với tình cảm trong sáng không vụ lợi, lao động nghiêm túc, quên mọi vất vả lo âu, vượt tất cả khó khăn, cản trở để nghiên cứu khoa học.
            Rời Gia Lâm, Ban chăn nuôi thú y chuyển về Văn Điển (các bộ môn nghiên cứu về chăn nuôi) và Bạch Mai (các Bộ môn nghiên cứu về thú y). Thời kỳ đó, thanh niên chúng tôi như các anh, các chị: Nguyễn thị Hoài Tao, Nguyễn Thị Hồng Hải, Nguyễn Tấn Anh, Nguyễn Văn Thiện, Vũ Ngọc Tý, Nguyễn Đức Hải, Đinh Huỳnh, Đậu Doãn Tuất, Phạm Nhật Lệ, Lê Văn Vọng, Nguyễn Hữu Bích, Lê Văn Ngọc, Trần Công Xuân, Phan Địch Lân, Đào Trọng Đạt, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Cúc và v.v. (có anh, có chị đã quá 1-2 tuổi đoàn nhưng vẫn còn sinh hoạt, tham gia các phong trào của chi đoàn Ban Chăn nuôi thú y và của Đoàn Viện Khoa học nông nghiệp, vẫn chưa muốn chia tay với Đoàn).
            Lúc đó tôi làm nghiên cứu  ở Bộ môn giống – biên chế  ở tổ nghiên cứu lợn. Tôi và các anh Vọng, anh Lệ thực hiện các đề tài nghiên cứu về lai tạo lợn theo các công thức: Berkshire x , Berkshire x Móng cái, Berkshine x Mường Khương, Yorkshire x Móng Cái, Yorkshire x , Bác Tô Luận chủ trì, hướng dẫn, còn tôi, anh Lệ, anh Vọng, chị Thảo là người thực hiện đề tài. Về Văn Điển - Bạch Mai xây dựng chuồng trại, cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm chưa được bao lâu, vừa tạm ổn định thì đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, đánh bom miền Bắc – Ban chăn nuôi thú y cũng phải sơ tán về Vác (Thanh  Oai – Hà Tây), Tuyên Quang v.v.
            Tổ nghiên cứu lợn chúng tôi toàn là thanh niên (trừ anh Doanh)) lại đưa lợn, những con Yorkshire, Berkshire nặng trên 100kg lên ô tô đi sơ tán đến trại Lê Thanh (Mỹ Đức – Hà Tây), trại Yên Bồ (Ba vì - Hà Tây),  ở nơi sơ tán rừng núi, trung du, đồng bằng có muôn vàn khó khăn chồng chất, thiếu thốn đủ điều về  ở, về ăn, về cơ sở vật chất nghiên cứu . Chỉ nói riêng việc đi lại từ Tuyên Quang, từ Thái Bình, Hà Tây v.v. về cơ quan – Ban lúc đó  ở Bạch Mai, Văn Điển chủ yếu đi bằng xe đạp hàng chục, hàng trăm km và đi nhiều năm cũng là một khó khăn cho nhiều người. Nhưng tất cả chúng tôi, thanh niên chi đoàn Ban nghiên cứu  CNTY không ai kêu ca phàn nàn, ngược lại đã hoàn thành mọi nhiệm vụ – nhất là nhiệm vụ nghiên cứu được giao.
            Tháng 8/1964 Mỹ đánh phá miền Bắc. Tôi còn nhớ có một lần trước khi đi sơ tán triệt để. Đoàn thanh niên Viện KHNN có tổ chức triển lãm thanh niên làm công tác nghiên cứu khoa học (trong dịp đại hội đoàn toàn Viện), chi đoàn Ban chăn nuôi thú y có 1 gian triển lãm rất phong phú, nhiều đề tài thực hiện tốt, nhiều sáng kiến, cải tiến và sáng tạo trong nghiên cứu được triển lãm, được khen thưởng. Đồng chí Vũ Quang – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn về thăm rất khen ngợi (lúc đó tôi là Bí thư BCH Đoàn Bộ Nông nghiệp kiêm Bí thư BCH Đoàn Viện Khoa học Nông nghiệp nhưng vẫn sinh hoạt với chi đoàn Ban Chăn nuôi thú y). Đồng chí Nguyễn Hữu Bích lúc đó là Uỷ viên BCH Đoàn Viện kiêm Bí thư chi đoàn Ban CNTY trong nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện đề tài về thức ăn (cây đậu mèo) đã có nhiều sáng kiến cải tiến, vượt nhiều khó khăn góp phần thực hiện đề tài kết quả tốt, đã hai lần được bầu là chiến sĩ thi đua của Viện (1963-1964).
            Những đêm dù  ở cơ quan hay nơi sơ tán, thanh niên chúng tôi vẫn chong đèn đọc sách, ghi chép số liệu nghiên cứu vào sổ sách theo dõi, và phân tích tổng kết các đề tài đã kết thúc, viết báo cáo v.v. Say sưa miệt mài nghiên cứu như thế, nhưng đời sống vật chất đâu có đủ, kể cả gạo ăn chưa no, còn gì nói đến thực phẩm. Tôi còn nhớ 1 lần anh Vọng, anh Thử và chú em út Trần Văn Trữ tát ruộng trũng bắt được hơn 10kg cá và lúc đó 11 giờ trưa máy bay Mỹ đến đánh phá đập suối Hai, tất cả mọi người chạy vào hầm và không bỏ 10kg cá, cả tổ công tác  ở Yên Bồ được ăn cá 1 tuần mới hết. Bữa ăn có cá cùng với rau tàu bay, rau tập tàng đi kiếm ngoài đồi, ruộng thêm phong phú món ăn.
            Tôi cũng không quên một kỷ niệm với anh Lê Sinh Tặng (nguyên Bí thư chi đoàn khoa CNTY – thời kỳ 1961-1962) tôi gặp anh  ở đầu cầu Phao Chương Dương phía Gia Lâm, Anh Tặng chia tay với tôi lúc đó (1970) để đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ). Còn tôi cũng chia tay với anh để đi chiến trường C, chia tay bịn rịn, lúc đó hình ảnh anh Tặng và anh Lê Đức Hảo nghiên cứu Tảo (Cô ren la”  ở Cổ Bi lại hiện lên rõ mồn một về sự say sưa, tận tuỵ làm nghiên cứu theo dõi ngoài trời  ở các bể và chậu thuỷ tinh nuôi tảo, dù thời tiết nắng hay mưa. Những hình ảnh ấy theo tôi suốt trên đường hành quân ra mặt trận.
            Không thể kể hết được những gian truân, khó khăn mà tuổi thanh niên chúng tôi lúc đó trải qua để làm nghiên cứu và thành công. Thật tự hào biết bao với những năm tháng sống chân tình, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và lao động thật sự nghiêm túc. Tôi được trưởng thành từ tổ ấm ấy. Năm 1962 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tôi công tác  ở Viện Chăn Nuôi khoảng 16 năm, đến tháng 7/1983 được điều động đến công tác  ở Ban Nông nghiệp Trung ương Đảng, với nhiệm vụ mới, trách nhiệm mới là phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp – làm tham mưu cho Trung ương Đảng – công việc nặng nề, bận rộn và từ đó tôi rời xa Viện Chăn Nuôi, rời xa công tác nghiên cứu khoa học. Nhưng tôi cũng như nhiều anh chị em đã chuyển công tác  ở nơi khác dù  ở đâu và làm gì, “số phận” không giống nhau đều luôn hướng về cội nguồn, nơi tôi rèn luyện, trưởng thành và vững bước sau này trong môi trường công tác mới. Trong tôi “Viện Chăn Nuôi thời ấy mãi mái bất diệt” và những người bạn, người đồng chí thật sự sáng mãi trong tôi.
            Đôi điều tâm huyết nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Chăn Nuôi (1952-2002).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét